Khi người lớn chán ăn...

Ăn không biết ngon, thậm chí nghe mùi thức ăn còn buồn nôn. Đó là những biểu hiện thường thấy của chứng chán ăn do căng thẳng đầu óc mà nhiều người quen gọi stress.

Chán ăn do stress làm sụt cân và gầy ốm nhanh chóng, cơ thể suy nhược. Có người phải cầu viện đến thuốc. Tuy nhiên nếu dùng đi dùng lại nhiều lần lại đâm ra sợ độc cho cơ thể và bị nghiện thuốc. Trong nhiều cách để cải thiện tình trạng chán ăn này, thì việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đúng với tình trạng sức khoẻ, được xem là có vai trò quan trọng trong phòng chống stress.

 

Buổi sáng ăn đủ, buổi tối ăn ít

 

Khi người lớn chán ăn... - 1


Cung cấp năng lượng trong ngày cần có sự phân bố theo một giờ giấc hợp lý. Buổi sáng ăn đầy đủ để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Thức ăn ăn vào buổi sáng sẽ kích thích dịch vị tiết ra đều đặn trong cả ngày, giúp quá trình tiêu hoá các bữa ăn trưa và chiều tiếp theo.

 

Buổi tối tốt nhất nên ăn ít, nghỉ ngơi, thư giãn để ngủ tốt hơn. Vận động cơ thể cũng là một yếu tố quan trọng trong phòng chống stress. Vận động nhẹ nhàng, vừa sức để giúp cơ thể chuyển hoá và thải trừ các chất độc trong cơ thể, làm cho cơ thể nhanh nhạy, ức chế các kích thích tâm lý giúp ăn uống ngon miệng. Nên vận động mỗi ngày ít nhất 30 phút và duy trì từ 3-4 lần trong mỗi tuần.

 

Sau thời gian học tập, làm việc cần nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ, đúng giờ và đủ giấc, nên ngủ sớm trước 10 giờ và tranh thủ ngủ thêm giấc ngủ trưa khoảng 30 phút. Trung bình mỗi ngày cần ngủ đủ 7-8 tiếng để cơ thể tái tạo lại năng lượng và phục hồi sinh lực. Học cách hít thở chậm và sâu để giải toả căng thẳng, tốt nhất kết hợp với tập yoga hằng ngày để cơ thể thư giãn hoàn toàn.

 

Ngoài ra, để phòng chống stress có hiệu quả, phải sắp xếp công việc hợp lý. Giờ nào việc đó, tránh làm quá sức quá giờ. Giảm bớt tham vọng, giữ tinh thần luôn lạc quan, thoải mái, vui vẻ. Nếu vứt bỏ được một cách dễ dàng những cay đắng, buồn phiền trong cuộc sống cũng có nghĩa là ta đã thực hiện được một bước tiến lớn trong việc thoát khỏi stress.

 

Những thực phẩm đánh tan stress

 

Thức ăn cần sử dụng là các thức ăn giàu các chất khoáng và vitamin, giúp chống mệt mỏi, làm giảm stress như: Ca, Mg, kẽm, vitamin nhóm B, vitamin C. Ăn thực phẩm có coenzym Q10 để giúp các tế bào tạo năng lượng (cá thu, mè, đậu hạt, đậu hà lan) và các axít amin cần thiết có trong thịt, cá, trứng, nhất là trong hải sản. Thiếu magiê, cơ thể sẽ bị mệt mỏi. Thiếu kẽm làm cho hệ thần kinh dễ bị kích thích, gây khó ngủ và biếng ăn. Nên ăn nhiều rau quả để bổ sung lượng vitamin, khoáng chất cần thiết và nhiều chất xơ giúp tránh táo bón vì bón cũng gây kích thích cơ thể do nhiễm các chất độc từ phân bị ứ lại.

 

Ăn nhiều thực phẩm có chất bột, giàu đạm nguyên hạt chưa xay xát như: gạo, đậu, lúa mì, ngũ cốc... cung cấp carbohydrate, vitamin nhóm B và đạm thực vật, chuyển hoá chậm, làm giảm tốc độ chuyển hoá và ổn định đường huyết. Các chất béo thiết yếu là nguyên liệu không thể thiếu trong cấu tạo các tế bào thần kinh, giúp vận hành hệ thần kinh, trí nhớ, tự thân cơ thể không tự tổng hợp được mà phải nhận từ thức ăn. Các chất béo thiết yếu cần cung cấp cho não là các loại sau: omega-3 (có trong bí ngô, hạt, dầu cải…); đặc biệt là EPA (eicosapentaenoic acid) và DHA (docosahexaenoic acid) chứa trong cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, tảo, rong biển, trứng...; omega-6 có trong bắp, hạt hướng dương, mè, đặc biệt GLA (gamma linolenic acid), có trong cây hoa anh thảo, tảo lục lam và AA (arachidonic acid) có trong thịt, các sản phẩm sữa, trứng, mực. Để giúp cho não hoạt động tốt, nên có ít nhất ba bữa cá biển trong tuần. Chế độ ăn chay ít cholesterol, ít axít béo bảo hoà, nhiều axít béo chưa bảo hoà cũng có lợi cho cơ thể trong việc phòng chống stress.

 

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Danh

TT Dinh dưỡng TPHCM/SGTT