Khi nào nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung?

Hà An

(Dân trí) - Tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng đối với chị em, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên 35-44 tuổi. Mục đích để tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành ung thư.

Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, việc tầm soát ung thư nên bắt đầu thực hiện cho phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục... Từ 21 tuổi trở đi, mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Trong đó, phổ biến nhất là độ tuổi 35-44 tuổi.

Tần suất thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung tùy thuộc vào loại xét nghiệm bạn chọn. Đa số định kỳ là 1-3 năm/lần.

Khi nào nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung? - 1

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm, nếu có sự xuất hiện của các tế bào bất thường, người bệnh cũng không nên quá lo lắng. Bởi có nhiều trường hợp các tế bào bất thường xuất hiện nhưng không phải do ung thư. Một thời gian sau, các tế bào ấy sẽ trở lại bình thường, người bệnh sẽ tiến hành sàng lọc, điều trị bệnh, với tỷ lệ thành công khá cao.

Để biết các tế bào bất thường ấy có trở lại bình thường hay phát triển thành tế bào ung thư thì cần xét nghiệm bổ sung thêm. Có thể là thực hiện soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung…, đồng thời người bệnh cần được kiểm tra thường xuyên cho tới khi kết quả hoàn tất.

Phụ nữ sau khi thực hiện tầm soát ung thư hoàn toàn có thể vận động đi lại, ăn uống như bình thường. Có một số trường hợp âm đạo sẽ bị chảy máu sau khi xét nghiệm xong. Tuy nhiên đây là hiện tượng bình thường nên chị em không cần quá lo lắng. Chỉ khi máu chảy quá nhiều thì cần thông báo với bác sĩ để được kiểm tra.

Sau khi xét nghiệm tầm soát xong, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm thêm các xét nghiệm bổ sung khác. Bởi Pap là phương pháp chẩn đoán tỷ lệ chính xác cao nhưng chưa phải là tuyệt đối. Đôi khi các tế bào bình thường nhưng kết quả lại là bất thường, và ngược lại.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

Ngay khi thấy dấu hiệu bất thường dưới đây, chị em nên đến cơ sở chuyên khoa phụ khoa để thăm khám sớm:

- Ra máu âm đạo bất thường.

- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.

- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.

- Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu.

- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.

- Kinh nguyệt kéo dài, không đều.

- Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân.