Khi con trai ẻo lả, con gái “chuẩn men”
Thấy con trai chốc chốc lại soi gương, đưa tay lên vuốt tóc, thậm chí thích nước hoa và thường sử dụng kem dưỡng da, kể cả son môi…, hoặc con gái nhưng để tóc cụt, mặc áo phông, quần jean và hành động như con trai, nên phụ huynh nghĩ con mình bị “bóng” hay “les”.
Khám tâm lý tại khoa Tâm lý, BV Nhi đồng
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh đổ xô đưa con đến khám tại khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, 2 và BV Bình Dân vì cho rằng con mình bị lệch lạc giới tính và đề nghị trị dứt điểm “bệnh” này.
Lệch thật, lệch giả…
Tại khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2, bé gái N.T.L... (13 tuổi) được gia đình đưa đến khám trong bộ dạng ăn mặc và cách nói chuyện “chuẩn men”. L cũng cho BS biết hiện đang cặp bồ với một bạn gái khác và công khai mối quan hệ với mọi người. Theo gia đình, từ nhỏ L không có biểu hiện khác lạ nào, em thích chơi búp bê, nấu ăn, thích thắt bím tóc. Tuy nhiên, sau một biến cố gia đình là bố mất việc và say xỉn, đánh đập, chửi mắng vợ con thường xuyên thì L bắt đầu có sự thay đổi. L coi thường bố và suy nghĩ mình là con trai để bảo vệ gia đình. L cắt tóc ngắn, thích mặt đồ hip hop và nói với gia đình muốn sống như vợ chồng với bạn gái mới quen.
Một trường hợp ngược lại, L.T.T - nam, 15 tuổi, Q.10, TPHCM được gia đình đưa đến khám vì giọng nói léo nhéo và điệu đàng không ra nam nhi. Mặc dù T cao 1,69 mét và nặng 62kg, nhưng tướng đi lại ẻo lả. Qua điều tra gia đình, ngay từ năm lên 5 tuổi, T sống với mẹ vì bố bận công tác xa. Chính vì lúc nào cũng ở bên mẹ và được mẹ bảo bọc quá kỹ nên T đã nhiễm tính của mẹ lúc nào không biết.
Tương tự như L.T.T, cậu bé N.H.T, 9 tuổi nhưng chỉ thích chơi búp bê và múa hát, chỉ thích chơi với con trai và ghét ai gọi mình là bé trai. Hỏi ra mới biết, bố mẹ đi làm, T ở nhà chơi với người giúp việc và chỉ quanh quẩn với 3 chị gái. Thậm chí, đồ của T mặc ở nhà cũng được bố mẹ tận dụng xài đồ của chị. Dần dần T chỉ thích chơi toàn những trò chơi của con gái như nhảy dây, bán hàng, trang điểm…
Những trường hợp nêu trên có bị lệch lạc giới tính? Theo BS Thái Thanh Thuỷ -Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2, để xác định một đứa trẻ bị lệch giới tính không chỉ căn cứ ở diện mạo, sinh hoạt bên ngoài. Phần lớn các trường hợp nghi ngờ đưa đến kiểm tra tại BV đều không có vấn đề gì.
Vậy, tại sao có hiện tượng trên? Theo các chuyên gia, lệch lạc giới tính ở vị thành niên không còn là hiện tượng hiếm gặp trong thời điểm hiện nay khi Việt Nam đang trong giai đoạn văn hoá mở. Toàn bộ những trẻ bị nghi ngờ về giới tính được gia đình đưa đến khám phần lớn ở trong độ tuổi chưa định hình nhân cách, lại dễ thần tượng, bắt chước, dễ bị lôi kéo… nên nhiều trường hợp chính trẻ cũng hoài nghi về giới tính thật của mình. Điều đáng nói, chính sự thiếu hiểu biết, cách hành xử không đúng của cha mẹ đã góp phần khiến trẻ rối loạn giới tính, đẩy trẻ đến tình trạng lệch lạc nhanh hơn, nặng hơn.
Từ sự nghi ngờ, không ít bậc bố mẹ đã la mắng, cấm đoán và có nhiều lời nói làm tổn thương trẻ. Một trường hợp điển hình mà các BS khoa Tâm lý kể lại: Từ ngày có bộ phim Hàn Quốc chiếu trên đài Bình Dương, chị V ở quận 8, TPHCM thấy con trai mình… khang khác. Chẳng hạn, thay vì ăn mặc xuề xoà thì con chị chải chuốt hơn. Áo thun, quần jean chị mua cho trước đây chẳng thấy con mặc mà thay vào đó xin tiền mẹ mua toàn áo hoa, phông màu loè loẹt.
Tình cờ kiểm tra trong hộc bàn của con, chị V phát hiện có nhiều nước hoa và phấn trang điểm. Lúc này, chị V khẳng định chắc như đinh đóng cột: Con mình bị “gay”. Đau khổ dằn vặt và tìm hiểu trên mạng, chị V quyết định đưa con đến khám và trị “triệt” căn bệnh này. Sau khi kiểm tra, BS khẳng định, con của chị vẫn là “đàn ông đích thực” và hiện đang thần tượng một diễn viên Hàn Quốc nên cố tình bắt chước gu ăn mặc, tóc tai, điệu bộ của diễn viên này.
Một trường hợp khác tên Nguyễn Thanh T, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn An Ninh, quận 10, TPHCM. Chỉ vì T không có bạn trai và hay chơi với một nhóm bạn gái mà bố T đã cấm đoán và quát: "Có phải mày pêđê không?". Từ đó, T bắt đầu suy nghĩ, rồi hay quan sát các bạn trai. Khi trò chuyện với các chuyên gia tư vấn, T. cứ hỏi mãi: "Em pêđê thật phải không cô?"
TS-BS Nguyễn Thành Như - chuyên gia nam học kể lại trường hợp, sau khi có kết luận của BV là trẻ bình thường, phụ huynh vẫn không tin, dắt con đi nơi khác kiểm tra, sau một thời gian lại quay về BV Bình Dân xin khám lần nữa. BV từ chối khám, còn cậu bé thì nổi đóa: "Mẹ muốn con đồng tính lắm phải không? Con sẽ đồng tính cho mẹ vui lòng".
Theo các BS, hầu hết các trường hợp tới khám đều do cha mẹ thiếu hiểu biết, dẫn đến nghi ngờ. Thậm chí, có phụ huynh khăng khăng "cháu không phải đàn ông" dù cậu bé nọ chỉ bị… hẹp bao quy đầu.
Khám giới tính ảo!
Thống kê của khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 2, nếu như những năm trước đây, mỗi tháng khoa mới có một, hai ca tuổi vị thành niên bị đồng tính ảo, thì gần đây, mỗi tuần có 2-3 ca đến khám. Riêng BS Hà, chỉ trong 2 tháng đầu năm vừa qua đã tư vấn tâm lý cho gần 20 ca giới tính ảo.
Tương tự, tại BV Nhi Đồng 1, BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang - khoa Tâm lý, cho biết, số trẻ đồng tính ảo đến khám ngày một nhiều hơn. Nếu như những năm trước, vài tháng các BS mới tư vấn 1-2 ca, thì 2 năm gần đây, mỗi tháng trung bình BV Nhi Đồng 1 có 4-5 ca đến khám. Đặc điểm phổ biến của các bệnh nhi là bé trai ăn nói ẻo lả, mặc quần áo như bé gái và ngược lại, bé gái cắt tóc, ăn mặc như bé trai. Hầu hết các em đều từ chối, chống đối lại hình ảnh của bản thân. Con gái chỉ thích chơi với con gái, yêu những bạn gái cùng lớp; còn bé trai lại nghĩ mình là gái nên chỉ yêu thích và chơi với bạn nam.
Theo BS Phạm Ngọc Thanh - BV Nhi Đồng 1, đây là một rối loạn phức tạp chưa tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Ngoài nguyên nhân do bất thường về hormone hoặc nhiễm sắc thể, người ta nhận thấy có những vấn đề về gia đình như sự thiếu vắng vai trò của người cha hoặc mẹ trong gia đình, hoặc cha mẹ có vấn đề tâm thần, không thể nêu rõ vai trò của người nam và người nữ cho trẻ.
Bình thường, trẻ có thể nhận biết mình là trai hay gái từ lúc 18 tháng tuổi. Từ 18-30 tháng tuổi, đa số bé trai biết mình sẽ trở thành đàn ông và bé gái trở thành đàn bà và bé muốn bắt chước bố hoặc mẹ, người đồng giới với mình. Khi nhận thấy con trai thích cài hoa, chơi búp bê, mặc váy, còn con gái thích đồ siêu nhân, chơi súng, mặc quần soóc, cởi trần, thì cha mẹ nên bình tĩnh, không phát hoảng mà la mắng con.
Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường muốn bắt chước hành vi của cả hai giới. Theo một thống kê đăng trong sách giáo khoa Nhi khoa Nelson năm 2000, thì có đến 22,8% bé trai và 38,6% bé gái thích có hơn 10 hành vi khác giới. Đây là sự phát triển bình thường trong giai đoạn trẻ muốn khám phá, tìm hiểu về cả hai giới tính. Cha mẹ không nên hốt hoảng, phạt con cũng như không nên phê phán hành vi của trẻ.
Dấu hiệu lệch hướng giới tính có thể được phát hiện từ lúc 3 tuổi ở trẻ phát triển sinh dục bình thường với những dấu hiệu báo động cần lưu ý: Trẻ không biết giới tính của mình khi mừng sinh nhật thứ 3; trẻ luôn nói thích giới tính đối lập; trẻ luôn phủ nhận bộ phận sinh dục của mình; trẻ nghĩ là bộ phận sinh dục khác giới sẽ được phát triển trong cơ thể của mình.
Nếu thấy một trong các dấu hiệu trên, thì cha mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra y khoa và khám tâm lý. Cả trẻ và phụ huynh đều cần gặp chuyên viên tâm lý để được khai thác bệnh sử, tìm hiểu về cuộc đời của trẻ từ trong bụng mẹ, về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và tình trạng sức khỏe của cha mẹ, để giúp trẻ có khái niệm rõ ràng về giới tính của mình và cải thiện mối quan hệ với cha mẹ.
Để trẻ không lệch lạc giới tính, cha mẹ cần làm gương cho trẻ, biết tôn trọng nhau, dùng lời lẽ và cách cư xử lịch sự với nhau.
Trẻ lớn lên bằng cách bắt chước người lớn. Nếu bé trai bị lệch giới tính thì người cha cần gần gũi con để giúp bé trở thành một người đàn ông với vai trò trách nhiệm trong gia đình, đảm nhận những công việc nặng nhọc và biết các luật lệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Người mẹ nên can đảm tách ra khỏi con trai để trẻ lớn lên và tự lập. Ngược lại, nếu trẻ lệch giới tính là con gái thì người mẹ có vai trò lớn trong việc điều chỉnh giới tính cho con, làm gương cho con gái trở thành một phụ nữ đảm đang, hiền dịu.
Cha mẹ cũng nên giúp con phòng tránh những nguy cơ làm lệch giới tính bằng cách cho trẻ mặc quần áo, chơi các trò chơi hợp giới tính, kết thân với bạn cùng giới tính trước tuổi dậy thì và không hạ thấp giá trị giới tính của trẻ.
Theo Võ Tuấn
Lao động