1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khi chóng mặt có nên cố đứng dậy?

Chóng mặt là triệu chứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng ở người cao tuổi (NCT) chiếm tỷ lệ cao hơn và nguy hiểm hơn. BS Phương Hồng Thọ (Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa HMCL TP Cần Thơ) chia sẻ: Nguyên nhân hay gặp nhất trong chóng mặt ở NCT xuất phát từ dây thần kinh tiền đình.

Đi khám bệnh định kỳ sẽ giúp người cao tuổi bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Dương Ngọc
Đi khám bệnh định kỳ sẽ giúp người cao tuổi bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Dương Ngọc

Thời tiết chuyển mùa cũng có thể gây chóng mặt

Tiền đình là vùng nằm sau ốc tai, là hệ thống có vai trò quan trọng trong duy trì tư thế, dáng bộ, điều hòa, phối hợp cử động mắt, đầu, phản xạ các cơ và vận động thân mình nói chung. Khi tiền đình bị ảnh hưởng do bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể sẽ gây rối loạn thăng bằng, rung giật nhãn cầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn thật sự. Những tổn thương như: Chấn thương vùng đầu, viêm mê đạo vùng ốc tai, do tắc mạch máu não vùng sau cổ (tắc, hẹp) hoặc hội chứng Meniere (gồm chóng mặt, ù tai, giảm thính lực) đều gây triệu chứng chóng mặt.

Nguyên nhân gây chóng mặt ở NCT gặp khá nhiều, đó là rối loạn vận mạch do hệ thống mạch máu (động mạch cung cấp máu cho vùng tiểu não bị ảnh hưởng, hoặc do lượng máu đến ít đi, hoặc mạch máu bị tắc, nghẽn do xơ vữa động mạch) như động mạch cột sống thân nền. Nguyên nhân xơ vữa thành động mạch có nhiều nhưng do tăng mỡ trong máu mà đặc biệt là bệnh tăng huyết áp. Tăng lượng cholesterol trong máu, nhất là tăng loại cholesterol xấu có nguy cơ làm xơ vữa động mạch. Khi động mạch bị xơ vữa thì lòng động mạch bị hẹp lại làm lượng máu đi qua khó khăn gây hạn chế lưu thông máu đến não. Các loại u não (u tiểu não, u dây thần kinh số VIII) cũng gây nên chóng mặt, buồn nôn. Các nguyên nhân về mạch máu hoặc do khối u gây chóng mặt thường được xếp vào loại rối loạn tiền đình thuộc về trung ương. Chóng mặt ở NCT có thể gặp do ngộ độc thực phẩm bởi hóa chất hoặc vi khuẩn (vi khuẩn gây ngộ độc thịt có độc lực mạnh và tác động chủ yếu vào hệ thần kinh trung ương như Clostridium botulinum), hoặc chóng mặt có thể liên quan đến thời tiết chuyển mùa, stress liên tục…

Thời điểm dễ xuất hiện bệnh

Bệnh chóng mặt thường xảy ra lúc nửa đêm, gần sáng, khi tỉnh dậy không ngồi dậy được do hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và có thể nôn. Người lao đao, choáng váng, mất thăng bằng, nếu cố dậy có thể bị ngã hoặc dúi dụi xuống đất, cũng có trường hợp bị sang chấn làm gãy xương (lồng ngực, khung chậu, chân, tay). Các triệu chứng này làm cho người bệnh rất khó chịu, đặc biệt là khi người bệnh thay đổi tư thế nghiêng người từ trái qua phải hoặc ngược lại là chóng mặt, buồn nôn. Nếu nhẹ thì thoáng qua, nhưng nặng thì không thể thay đổi tư thế được và nôn nhiều.

Trong trường hợp NCT chóng mặt do hệ thống mạch máu nghĩa là do rối loạn tuần hoàn não (thiếu máu não), người bệnh còn đau đầu, có khi đau dữ dội, liên tục (tỷ lệ đau đầu trong trường hợp này chiếm 90%). Chóng mặt ở NCT nếu thuộc hệ thần kinh trung ương, cần cảnh giác, ngoài u não còn có rối loạn tuần hoàn não, có thể để lại những biến chứng nặng nề như tai biến mạch máu não.

Tuyệt đối không nên cố gượng đứng lên khi chóng mặt

Khi bị chóng mặt, người bệnh nên chọn tư thế nằm thích hợp (nghiêng trái, nghiêng phải hoặc nằm ngửa), không nên gắng gượng đi tiếp. Tránh thay đổi tư thế và ánh sáng chói như: Ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn hoặc tránh tiếng động, ồn ào. Cần gọi cho người thân, người giúp việc biết tình trạng của mình để có hướng xử lý thích hợp (cho uống thuốc nếu biết bệnh từ trước và có sẵn thuốc mua theo đơn bác sĩ, hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất).

Khi bị chóng mặt dù chỉ thoáng qua cũng nên thăm khám để được bác sĩ xác định bệnh và tình trạng bệnh, không được chủ quan. Tùy bệnh trạng, bác sĩ sẽ khám về hệ thống tim mạch, hoặc chỉ định các xét nghiệm thích hợp, ví dụ xét nghiệm máu lúc đói để biết chỉ số cholesterol hoặc siêu âm tim, điện tim… Nếu nghi là xơ vữa động mạch hoặc bệnh về tai, mũi, họng có thể nội soi động mạch hoặc tai, mũi, họng. Nếu nghi là u não, vấn đề về ốc tiền đình, có thể chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ… giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có chỉ định dùng thuốc thích hợp. Ngoài việc dùng thuốc, cần tập luyện thường xuyên, nhẹ nhàng nhưng đúng động tác, ví dụ tập đốt sống cổ cần quay trái, quay phải, ngả đầu về sau, cúi đầu xuống. Các động tác phải thực hiện từ từ, không vội vàng. Mỗi lần tập từ 5-10 phút, không nên kéo dài thời gian…

Nếu chóng mặt bởi rối loạn tuần hoàn não do tăng mỡ máu hay huyết áp, cần lưu ý chế độ ăn, thay mỡ động vật bằng dầu thực vật nhưng trong giới hạn cho phép, không nên lạm dụng và dùng loại dầu rán qua sử dụng nhiều lần. Nếu bị tăng huyết áp thì phải sử dụng thuốc thường xuyên, dùng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu phải do thầy thuốc chỉ định và luôn kiểm tra huyết áp (kiểm tra hàng ngày với người biết đo huyết áp và máy đo chuẩn).

Đẩy lùi bệnh nhờ lối sống lành mạnh

Chóng mặt không chỉ nguy hiểm đối với NCT mà còn với người trong độ tuổi lao động và mắc các bệnh mãn tính (cao huyết áp, hạ huyết áp, tiểu đường…) như chóng mặt khi tham gia giao thông. Cách phòng bệnh tốt nhất là có lối sống lành mạnh, thường xuyên rèn luyện thể dục, thể thao và khám sức khỏe định kỳ.

Đình Khôi

Báo Gia đình & Xã hội