1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khi bác sĩ quyết “vượt tuyến” thay bệnh nhân

(Dân trí) - Là một chấn thương phổ biến trong sinh hoạt, giao thông, thể thao nhưng đứt dây chằng chéo khớp gối thường chỉ có thể xử trí tại bệnh viện lớn. Và nhờ một bác sĩ trẻ quyết “vượt tuyến” nên giờ nhiều người dân Mộc Châu, Sơn La không còn phải lặn lội 5 lần 7 lượt lên thủ đô chữa bệnh.

Đó chính là ThS.BS Vũ Giang An (Sinh năm 1977), Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Sơn La – Người thầy thuốc trẻ tuyến huyện duy nhất có tên trong 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, vinh danh vào ngày 17/2.

Nhân dịp này, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với anh về quá trình "vượt tuyến" thay bệnh nhân này:

Xin BS cho biết, vì sao Bác sĩ lại “vượt tuyến”, đưa kỹ thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối, một kỹ thuật của tuyến Trung ương mà chưa bệnh viện nào ở Sơn La thực hiện được, về bệnh viện huyện Mộc Châu?

BS Vũ Giang An: Tôi lựa chọn kỹ thuật này xuất phát từ chuyên ngành tôi học thạc sĩ năm 2010 và từ quá trình làm việc, tôi nhận thấy chấn thương khớp, đứt dây chằng chéo rất nhiều.

Mỗi lần khám, tôi đều tư vấn bệnh nhân chuyển tuyến trên. Nhưng nhiều bệnh nhân đi 1 lần không giải quyết được ngay, thường ít nhất 2 lần, có những bệnh nhân tới 3 lần và có cả những bệnh nhân bỏ cuộc vì không đủ tiền đi lại, chữa bệnh.

Vậy nên tôi đã triển khai ngay kỹ thuật này với sự trợ giúp của các thầy từ bệnh viện 103, bệnh viện Việt Đức.

Kỹ thuật này không quá khó đối với bác sĩ nhưng vì sao phải đến năm 2015, tức là sau 5 năm học, bác sĩ mới có thể thực hiện kỹ thuật nội soi này?


Một bệnh nhân do BS An trực tiếp phẫu thuật thay khớp háng đang tái khám

Một bệnh nhân do BS An trực tiếp phẫu thuật thay khớp háng đang tái khám

BS Vũ Giang An: Trong thời gian đi học cao học, tôi được học nhiều và đi phụ mổ nhiều. Các kiến thức về chấn thương dây chằng chéo, kỹ thuật mổ, các bước phẫu thuật tôi đều nắm rõ nhưng vấn đề là trang thiết bị.

Có con người mà thiếu máy móc cũng ko làm được. Do đó, đến cuối năm 2014, khi máy nội soi ổ bụng về Bệnh viện, cùng với sự hỗ trợ của các thầy từ bệnh viện Quân y 103, bệnh viện Việt Đức, chúng tôi mới triển khai được kỹ thuật này.

Vậy ca mổ đầu tiên đã diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?

BS Vũ Giang An: Đó là bệnh nhân nữ 49 tuổi, nhà cách bệnh viện chỉ hơn 100m. Chị bị tràn dịch khớp gối do ngã xe máy. Chị đã đi lại được sau khi được xử trí chọc hút dịch khớp gối và bó bột trong 3 tuần. Tuy nhiên, 3 tháng sau, gối lại tràn dịch và lúc này tôi chẩn đoán chị bị đứt dây chằng chéo trước. Khi hướng dẫn chị về Hà Nội chụp cộng hưởng từ, kết quả đúng như chẩn đoán thì chị đã nhất trí thực hiện phẫu thuật tại Bệnh viện. Ca đó diễn ra vào đầu 2015 và sau nhiều lần thăm khám, đến nay đầu gối của chị rất tốt.

Kể từ ca phẫu thuật đầu tiên đó, đến nay đã có bao nhiêu trường hợp được phẫu thuật, thưa bác sĩ?

BS Vũ Giang An: Chính xác đến thời điểm này là 17 ca, trong đó có 12 bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế.

Trong đó, tôi nhớ nhất bệnh nhân nam hơn 40 tuổi, bị đau gối 5 năm rồi, chỉ bó bột, đắp thuốc dù đã có chỉ định mổ cách đây 3 năm. Trước mổ mấy tháng, bệnh nhân có biểu hiện bị kẹt khớp (tức là khi gập chân thì rất khó duỗi ra và ngược lại). Khi khám, tôi đã thấy có cục di động trong khớp. Tôi đã tư vấn bệnh nhân đi chụp cộng hưởng từ nhưng bệnh nhân chỉ đưa phim đã chụp trước đó 3 năm.

Tôi thấy dấu hiệu đứt dây chằng chéo rất rõ, như vậy là có chỉ định mổ, ko cần chụp lại nữa và tư vấn về khả năng trong khớp có thể có chuột khớp

Và đúng như vậy. Trong cuộc phẫu thuật đã phát hiện một khối xơ sợi to cỡ 2x3cm di động tự do trong khớp.

Thực sự người dân mình mức độ chịu đựng rất cao, với tình trạng khớp bị tổn thương như vậy mà vẫn lao động, làm việc được trong nhiều năm đến vậy.

Xin cảm ơn Bác sĩ Vũ Giang An!

Trong thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu luôn tích cực tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới từ các bệnh viện tuyến trên.

Trong 5 năm (2010- 2015) đã triển khai được 40 kỹ thuật mới như kỹ thuật siêu âm tim mạch máu, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật gãy xương phức tạp, phẫu thuật nối mạch máu cấp cứu… đã cấp cứu thành công hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Bác Sĩ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc bệnh viện đa khoa Mộc Châu cho biết: “Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu đón các bác sĩ tuyến Trung ương lên giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật là rất cần thiết. Các bác sĩ sẽ được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận với kỹ thuật mới tiên tiến trên thế giới và trong nước. Bên cạnh đó, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên giảm chi phí cho người bệnh. Mục tiêu của Bện viện trong thời gian tới là việc triển khai những kỹ thuật sẽ được triển khai ở nhiều lĩnh vực khác”.

Với sự hỗ trợ về thiết bị và kỹ thuật của các bác sĩ tuyến Trung ương, trong năm 2017 các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật điều trị, các phẫu thuật phức tạp, tạo điều kiện cho bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại trong khám và điều trị, không phải chuyển lên tuyến trên tuyến trên, giúp gia đình bệnh nhân giảm gánh nặng về kinh tế.

Trần Phương (thực hiện)