Khẩu trang là cách bảo vệ tốt nhất chống Covid-19

(Dân trí) - Khẩu trang là cách bảo vệ tốt nhất chống lại Covid-19, hơn cả rửa tay hoặc giãn cách xã hội, một nghiên cứu trên chiến hạm Theodore Roosevelt của Mỹ cho thấy.

Khẩu trang là cách bảo vệ tốt nhất chống Covid-19 - 1

Chiến hạm Theodore Roosevelt của Mỹ đã bị virus corona hạ gục.

Hơn 1.000 trong số gần 4.900 thành viên thủy thủ đoàn của con tàu đã dương tính với Covid-19 trong vụ dịch hồi tháng 3, khiến một người chết và hạm trưởng bị sa thải.

Tàu sân bay này đã được cơ quan chức năng của Mỹ nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cách thức lây lan của virus.

Họ đã tìm thấy sự khác biệt 25% trong số người nhiễm giữa những người có và không mang khẩu trang.

Mức khác biệt này được so sánh tỷ lệ 15,3% của giãn cách xã hội và 3% của rửa tay, những biện pháp được coi là quan trọng nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Kết luận được đưa ra sau nhiều tháng tranh cãi giữa các nhà khoa học về việc có nên khuyến cáo đeo khẩu trang cho công chúng hay không do bằng chứng yếu về hiệu quả của cách làm này.

Một số chuyên gia nói rằng chẳng có hại gì trong việc thêm một lớp bảo vệ và đã thúc đẩy những quy tắc mạnh mẽ hơn.

Chính phủ Anh cuối cùng đã đầu hàng trước sức ép và tuyên bố người dân Anh bắt buộc phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tàu Roosevelt cập cảng Guam ngày 27 tháng 3, với số lượng thủy thủ dương tính với virus tăng lên nhanh chóng. Hiện chưa rõ làm thế nào mà virus xâm nhập được lên tàu.

Một thủy thủ của tàu đã chết vì virus corona và một số khác phải nhập viện.

10 tuần sau, con tàu đã trở lại biển và đang tiến hành các hoạt động quân sự ở khu vực Thái Bình Dương.

Vào tháng Tư, Hải quân Mỹ và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) đã điều tra vụ dịch trên một mẫu gồm 382 nhân viên phục vụ (27%) trên tàu, hầu hết là những người trẻ, khỏe mạnh.

CDC cũng tiến hành nghiên cứu trên tàu USS Kidd - chiến hạm thứ hai của Mỹ có ổ dịch virus corona.

Nghiên cứu cho thấy ổ dịch xảy ra do lây truyền rộng rãi giữa các thành viên, những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

"Những người báo cáo có thực hiện các biện pháp phòng ngừa có tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn so với những người không báo cáo thực hiện các biện pháp này", nghiên cứu cho thấy.

Tác dụng bảo vệ lớn nhất được thấy ở những người đeo khẩu trang.

Chỉ 55,8% những người đeo khẩu trang bị nhiễm so với 80,8% những người không đeo – sự khác biệt là 25%.

Giãn cách làm giảm 15,3% nhiễm trùng, với 54,7% những người thực hiện biện pháp này bị nhiễm bệnh so với 70% những người không thực hiện.

Đeo khẩu trang cũng được thấy là có hiệu quả hơn so với tăng cường rửa tay.

Khoảng 62% những người báo cáo thường xuyên rửa tay bị nhiễm so với khoảng 65% những người không thường xuyên rửa tay - sự khác biệt là 3%.

Các tác giả của nghiên cứu tuyên bố: “Báo cáo này cải thiện sự hiểu biết về COVID-19 trong quân đội Mỹ và trong số những người trẻ ở các cơ sở tập trung và củng cố tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ nhiễm trùng trong các môi trường tương tự.'

Tuyên bố trên được đưa ra sau nhiều tháng tranh cãi gay gắt về việc có nên khuyến nghị người dân đeo khẩu trang trong bối cảnh thiếu khẩu trang phẫu thuật cho nhân viên y tế.

Vào tháng 5, Chính phủ cho biết người dân Anh nên “đeo khẩu trang [tự chế, bằng vải hoặc vật liệu khác] trong không gian kín, nơi không phải lúc nào cũng có thể giãn cách xã hội”.

Hướng dẫn đã được CDC ban hành cho người Mỹ vào giữa tháng Tư.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc sử dụng rộng rãi là không cần thiết - chỉ có nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng mới nên đeo khẩu trang.

Người ta cũng lo ngại rằng có thể thiếu khẩu trang cho nhân viên y tế nếu người dân đổ xô đi mua khẩu trang.

Các bài báo khoa học đệ trình lên ủy ban SAGE của chính phủ Anh hồi đầu đại dịch cho thấy các nhà khoa học Anh không tranh cãi nhiều về khẩu trang.

Các bài báo cho đến giữa tháng Tư nói rằng có rất ít bằng chứng hoặc bằng chứng không thống nhất ủng hộ việc đeo khẩu trang, và phần lớn nghiên cứu không liên quan đến xã hội Anh.

Nhưng bây giờ, việc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng ở Anh là bắt buộc.

Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps, người đã đưa ra thông báo vào ngày 4 tháng 6, nói: “Với nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bằng chứng cho thấy việc che mặt mang lại sự bảo vệ - mặc dù hạn chế - chống lại sự lây lan của virus”.

Chính phủ Anh không tin rằng khẩu trang là hữu ích trong các tình huống khác và cho rằng chúng có thể lợi bất cập hại do khiến mọi người tự tin sai lầm để chấp nhận nguy cơ không cần thiết.

Tuy nhiên, một nghiên cứu vào tuần trước cho thấy việc sử dụng rộng rãi khẩu trang ở Anh có thể giữ tỷ lệ lây truyền ở mức dưới 1 và ngăn chặn làn sóng virus corona thứ hai.

Tác giả chính, TS Richard Jonathan, từ Đại học Cambridge, cho biết: 'Các phân tích của chúng tôi ủng hộ việc người dân đeo khẩu trang ngay lập tức và phổ biến”.

GS John Colvin, đồng tác giả từ Đại học Greenwich, cho biết: “Có một quan niệm phổ biến rằng đeo khẩu trang có nghĩa bạn coi người khác là mối nguy hiểm.

“Trên thực tế, bằng cách đeo khẩu trang, bạn chủ yếu bảo vệ người khác khỏi chính mình. Các vấn đề văn hóa và chính trị có thể ngăn mọi người đeo khẩu trang, vì vậy thông điệp cần phải rõ ràng, "Khẩu trang của tôi bảo vệ bạn, khẩu trang của bạn bảo vệ tôi".

“Ở Anh, cách tiếp cận khẩu trang nên đi xa hơn là phương tiện giao thông công cộng. Cách hiệu quả nhất để tái khởi động cuộc sống hàng ngày là khuyến khích mọi người đeo khẩu trang bất cứ khi nào họ ở nơi công cộng”.

Cùng với việc xem xét sức mạnh của các biện pháp bảo vệ, nghiên cứu của CDC trên tàu Roosevelt cũng cho thấy gần 2/3 có kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính, cho thấy họ đã chiến đấu với virus.

Trước đó, toàn bộ 4.800 thủy thủ trên tàu sân bay Roosevelt đã được xét nghiệm và khoảng 1/4 dương tính.

Nhưng xét nghiệm huyết thanh - để tìm kiếm sự hiện diện của các kháng thể đặc hiệu trong máu - cho thấy số bị nhiễm nhiều hơn mà không được chú ý.

Các xét nghiệm tương tự ở Ý và các nơi khác đã chỉ ra sự hiện diện của kháng thể ở những người không dương tính trước đó, cho cảm giác chính xác hơn về sự lây lan của virus.

Tuy nhiên, xét nghiệm huyết thanh cũng cho thấy những người có kết quả dương tính với coronavirus không mang kháng thể sau đó, đặt ra câu hỏi về khả năng miễn dịch đối với virus.

Mặc dù kết quả có thể cho thấy sự hiện diện cao hơn nhiều của virus, một quan chức của Hải quân nói rằng điều có thể không đúng do cách nghiên cứu được thực hiện.

"Cuộc điều tra ổ dịch không bao gồm toàn bộ thủy thủ đoàn và kết quả của nghiên cứu này không thể khái quát cho toàn bộ thủy thủ đoàn ", quan chức này nói.

Cẩm Tú

Theo DM