Khánh Hòa: Thêm 1 bệnh nhi tử vong do sốt xuất huyết

(Dân trí) - Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cho biết, trong tuần qua đã có một bé trai, 9 tuổi, ở Nghĩa Lộc, phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, được đưa vào bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa trong tình trạng xuất huyết nặng có dấu hiệu cảnh báo.

 
Một bệnh nhân bị SXH đang được điều trị

Một bệnh nhân bị SXH đang được điều trị
 

Trước đó, bệnh nhân đã được người nhà khám và điều trị tại phòng khám tư nhân. Như vậy, từ đầu tháng 10 đến nay, toàn tỉnh đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, 2 ca tử vong trước thuộc huyện Vạn Ninh và thành phố Nha Trang. Đây là năm có số ca tử vong cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 2.700 ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại 112/137 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao là thị xã Ninh Hòa (gần 1.100 ca), TP. Nha Trang (hơn 630 ca), Vạn Ninh (hơn 500 ca). Giám sát huyết thanh phát hiện 3 tuýp vi-rút Dengue gồm: D1, D3, D4. UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định bổ sung chi ngân sách Nhà nước hơn 890 triệu đồng để phòng, chống bệnh SXH.

 

BS Phan Thế Long, Phó Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cho biết, hiện nay, mỗi ngày Khoa điều trị từ 30 - 40 ca mắc SXH. Cách đây 10 năm, bệnh SXH hầu như chỉ xảy ra ở trẻ em; nhưng hiện nay, căn bệnh này đã có ở người lớn, tỷ lệ mắc bệnh giữa người lớn và trẻ em tương đương nhau.

 

Theo Bác sĩ Long, bệnh SXH do muỗi Aedes aegypti (hay còn gọi là muỗi vằn) mang mầm bệnh chích vào người và lan truyền từ người này sang người khác. Chỉ một lần chích, muỗi đã có thể truyền bệnh SXH cho người. Muỗi vằn là vector truyền bệnh chủ yếu. Muỗi vằn hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh. Khi muỗi vằn cái hút máu bệnh nhân nhiễm vi rút Dengue, vi rút này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 - 11 ngày. Trong khoảng thời gian đó, muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người. Khi vi-rút vào cơ thể người chúng tuần hoàn trong máu từ 2 - 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu muỗi vằn hút máu người bệnh thì vi-rút được truyền cho muỗi. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em từ 1 đến 15 tuổi, nhiều nhất là 3 - 8 tuổi, người lớn cũng mắc bệnh.

 

Triệu chứng của bệnh là sốt liên tục từ 2 - 7 ngày (ở người lớn có thể kéo dài đến 10 ngày). Kèm theo nhức đầu hoặc chảy máu mũi, máu răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, tiểu ra máu. Khi xuất hiện những triệu chứng này, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng gây tử vong nhanh như: viêm não do vi rút tăng, xuất huyết não; viêm cơ tim, xuất huyết tim… Nguy hiểm của căn bệnh này là những biến chứng trên khó có thể tiên lượng và dự đoán trước.

 

Theo nhận định của ngành y tế, bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở nhiều nơi trong tỉnh; từ đây đến cuối năm là thời điểm thuận lợi muỗi sinh sản nên dự báo bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, người dân nên chủ động phòng bệnh và khi có các triệu chứng nghi ngờ phải đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Quang Thịnh