Kháng thuốc kháng sinh, người bệnh “tiền mất tật mang”

(Dân trí) – Sử dụng kháng sinh không hợp lý là nguyên nhân quan trọng gây tăng đề kháng kháng sinh ở bệnh nhân, tăng thời gian và chi phí điều trị, tăng tỷ lệ tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo nhân loại sẽ đối mặt với nguy cơ “hậu thuốc kháng sinh”.

Tình hình sử dụng kháng sinh hiện nay chưa được các bệnh viện đánh giá đầy đủ, nhằm xác định tỷ lệ sử dụng kháng sinh không hợp lý, ThS.BS Đặng Thị Vân Trang, khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, bệnh viện Chợ Rẫy cùng cộng sự đã tiến hành nghiên cứu tỷ lệ và những tác động của việc sử dụng kháng sinh tại các khoa Ngoại của bệnh viện.

Sử dụng kháng sinh không hợp lý tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo dài thời gian điều trị
Sử dụng kháng sinh không hợp lý tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo dài thời gian điều trị

Theo đó, nghiên cứu tập trung xem xét theo từng thời điểm bệnh nhân sử dụng để đánh giá lượng kháng sinh trên bệnh nhân có hợp lý hay không. Việc sử dụng kháng sinh hợp lý sẽ phải thỏa mãn các điều kiện đúng chỉ định, đúng loại, đúng liều, đúng thời gian, đúng cách dùng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không hợp lý trung bình là 27.8%. Trong đó, tại khoa Ngoại Thần kinh là 34,8%; Ngoại Tổng quát 20,8%; Ngoại Niệu 26,2%; Ngoại Chỉnh hình 25,5%; bệnh nhân phẫu thuật sử dụng kháng sinh không hợp lý là 29,5%; bệnh nhân không phẫu thuật là 7,1%.

 Các trường hợp được đánh giá không hợp lý là do sử dụng kháng sinh trong thời gian quá dài; không có chỉ định nhưng vẫn sử dụng; sử dụng sai loại kháng sinh. Tình trạng trên đã kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh (tăng 5,6 ngày); tăng chi phí sử dụng kháng sinh trung bình khoảng 2 triệu đông trên mỗi bệnh nhân đồng thời tăng thời gian sử dụng kháng sinh lên 6,2 ngày.

Sau khi thu thập dữ liệu tại 114 quốc gia trên toàn cầu về tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, hồi cuối tháng 4/2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, kháng thuốc kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Mối đe dọa này không còn là dự báo cho tương lai mà đang diễn ra ở mọi khu vực trên thế giới, có nguy cơ ảnh hưởng tới mọi người dân ở mọi lứa tuổi và các quốc gia khác nhau. 

WHO khuyến cáo, nếu không phối hợp hành động tức thời, thế giới sẽ đối mặt với một kỷ nguyên “hậu thuốc kháng sinh” khi đó các bệnh truyền nhiễm thông thường hoặc những vết thương nhỏ trước đó có thể chữa trị được thì nay có thể gây chết người do kháng thuốc kháng sinh. 

Qua nghiên cứu của mình, ThS.BS Đặng Thị Vân Trang đề xuất cần có chương trình giám sát sử dụng kháng sinh trong các bệnh viện để đánh giá tình hình sử dụng kháng sinh và tìm hiểu các lý do sử dụng không hợp lý. Nghiên cứu cụ thể lý do bác sĩ không cho thuốc đúng và các tác động của việc sử dụng thuốc không đúng, từ đó đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở bệnh nhân.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm