1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kháng sinh: Thuốc “an thần” của bác sĩ?

Sau khi uống 4 ngày kháng sinh vì viêm phổi, bác sĩ tiếp tục kê kháng sinh liều cao 3 ngày vì cho rằng trẻ bị hen phế quản. Lo lắng, người mẹ đưa con 5 tháng tuổi vào bệnh viện Nhi đồng 1 khám thì mới biết, con mình chỉ cần uống thuốc ho long đờm.

Đó là thắc mắc của chị Nguyễn Thị C. - mẹ bé Trần M.K., ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Theo phản ánh của chị C., con trai chị được năm tháng tuổi, bị viêm phổi, đến khám tại  BV gần nhà  và được BS kê toa như sau: Tafurex - bốn lọ (kháng sinh), Muscomyst, Ventolin và Depesolon (khí dung). Đến ngày thứ  năm, lại mang con đến khám, BS cho biết, cháu  bị hen phế quản, phải tiếp tục tiêm KS liều cao trong ba ngày nữa, và tiếp tục cho thêm hai loại KS. Lo lắng, chị cho con vào BV Nhi Đồng 1, thì được biết, cháu bị viêm phổi do virus, chỉ cần uống thuốc ho long đờm, không cần dùng KS. 

 

Nguyên tắc khi cho bệnh nhân sử dụng KS là BS  phải làm xét nghiệm định danh loại vi khuẩn  và làm KS đồ, thì mới quyết định dùng KS để điều trị. Tất cả đòi hỏi phải có thời gian, trong khi người bệnh lại muốn nhanh chóng hết bệnh. Vì thế, tại các phòng khám, các BS thường dựa vào yếu tố dịch tễ học hoặc kinh nghiệm lâm sàng để chẩn bệnh.

 

Điều đáng nói là hiện nay, có nhiều BS "thích" kê... KS, mà lại là  KS thế hệ mới, KS phổ rộng, để điều trị bao vây, vì hiệu quả nhanh, bất chấp sự khuyến cáo của các nhà chuyên môn, rằng KS thế hệ mới chỉ là biện pháp cuối cùng. Cách làm này sẽ "giúp" gia tăng sức công phá của vi khuẩn trên cơ thể, gây ra những bệnh nguy hiểm khác, và hậu quả là kháng thuốc.

  

Theo DS Trương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Dược sĩ BV TP.HCM, nhiều BS xem KS như một "liệu pháp" an thần, và nghĩ rằng như vậy sẽ an toàn (cho cả BS lẫn bệnh nhân). Trong khi chính việc "rộng tay" sử dụng KS đã gây nên tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc về sau. Nguy cơ dễ xảy ra nhất là phản ứng thuốc, thậm chí gây suy tủy. Với trẻ em, do chưa hoàn chỉnh hệ thống men, nên khi sử dụng KS không đúng, sẽ gây rối loạn chuyển hóa: vàng răng, chậm phát triển xương, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, thậm chí, còn làm thay đổi công thức máu, gây suy yếu hệ thống miễn dịch...

 

Một nghiên cứu về thực trạng sử dụng kháng sinh (KS) của BV Bạch Mai, Hà Nội  (thực hiện năm 2008), cho thấy: tỷ lệ sử dụng KS cho bệnh nhân trong toàn BV là 48,5%, trong đó sử dụng cho bệnh nhân khối sản là 97,8%; khối ngoại là 95%. Thế nhưng, đâu chỉ có BV tuyến cuối, ngay cả các BV tuyến tỉnh, tỷ lệ sử dụng KS cũng khá cao: Nhi Nghệ An (87,7%), Lào Cai II (87,1%), Yên Bái (80,2%), Ninh Bình (80%)...
 

Khi nào dùng kháng sinh?

 

Để tránh những hậu quả đáng tiếc, các chuyên gia khuyến cáo, chỉ dùng KS khi có các triệu chứng lâm sàng về:

 

- Nhiễm trùng nghi do vi khuẩn hoặc vi nấm trong các bệnh về đường hô hấp (viêm phế quản - phổi...), trong các bệnh về tai, mũi, họng như viêm VA, amidan, viêm tai...

 

- Nhiễm vi rút nhưng có bội nhiễm thêm vi khuẩn như viêm phế quản sau sởi, nhiễm trùng da do thủy đậu...

 

Đặc biệt, với các loại KS: Penicilline, Chloramphenicol, Streptomycine, có thể gây điếc cho trẻ con,  nghiêm trọng hơn là gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong, nếu sử dụng bừa bãi, dễ gây suy tủy, ngộ độc hoặc gây ra hội chứng xanh tái ở trẻ sơ sinh.

 

Theo Thiên Nga

PNO