1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kháng sinh sẽ sớm bị vô hiệu hoá

(Dân trí) - Cần có ngay những hành động cấp bách để kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trước khi chúng bị vô hiệu hóa, để lại những chứng bệnh vô phương cứu chữa và gây "tổn thất khủng khiếp cả về nhân mạng và kinh tế", một nghiên cứu lớn đã cảnh báo.

Việc thực hiện các biện pháp điều trị như mổ lấy thai, thay khớp và hóa trị sẽ sớm trở nên nguy hiểm nếu kháng sinh không hiệu quả
Việc thực hiện các biện pháp điều trị như mổ lấy thai, thay khớp và hóa trị sẽ sớm trở nên nguy hiểm nếu kháng sinh không hiệu quả

Tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng với tỷ lệ đáng báo động đến mức có nguy cơ những thuốc này sẽ bị mất hiệu quả hoàn toàn, đồng nghĩa với việc nhiều thủ thuật y tế như mổ lấy thai, thay khớp và hóa trị sẽ sớm trở nên nguy hiểm khi thực hiện. Nếu không hành động ngay, nhiễm trùng kháng thuốc sẽ giết chết 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050, nhiều hơn số người chết hiện nay do bệnh ung thư.

Nhiễm trùng kháng thuốc gia tăng là hệ quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm để điều trị những bệnh nhẹ như cảm lạnh thông thường. Khi bị lạm dụng, hệ miễn dịch của người sẽ hình thành tính kháng với thuốc, có nghĩa là một số bệnh sẽ trở thành vô phương cứu chữa và những "siêu vi khuẩn" như tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) phát triển.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc sử dụng phổ biến kháng sinh trong chăn nuôi lợn để ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng và từ đó thuốc đi vào người thông qua tiêu thụ thịt lợn, càng làm tăng mức độ kháng thuốc. Tại Anh, 45% lượng thuốc kháng sinh được dùng cho chăn nuôi.

Báo cáo là kết quả của một khảo sát 2 năm về việc sử dụng thuốc kháng sinh được thực hiện bởi chuyên gia kinh tế Lord Jim O'Neill và cựu Chủ tịch Goldman Sachs Asset Managemet.

Báo cáo kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh ngày càng tăng: "Để tránh tổn thất khủng khiếp về con người và kinh tế mà thế giới sẽ phải đối mặt”. Trong số các kiến ​​nghị, O'Neill kêu gọi một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của sử dụng kháng sinh, đặt ra những hạn chế trong việc sử dụng một số thuốc kháng sinh quan trọng và đánh thuế vào các thuốc được giới thiệu để sử dụng trong chăn nuôi.

Báo cáo ước tính rằng nếu không hành động ngay bây giờ, tổn thất do kháng sinh mất tác dụng sẽ là 100 tỷ đô la từ nay đên trước năm 2050.

Dame Sally Davies, quan chức y tế cao cấp của Anh, người trước đó đã cảnh báo rằng nước Anh đang phải đối mặt với một "kịch bản ngày tận thế" trong sử dụng kháng sinh, cũng hoan nghênh báo cáo, mô tả các khuyến nghị là "những thách thức ".

Kháng sinh có tác dụng diệt hoặc ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn, ngăn chặn nhiễm trùng. Những thuốc này đã làm thay đổi bộ mặt của y học khi được sử dụng lần đầu tiên vào đầu thế kỷ trước và đã góp phần xóa sổ nhiều bệnh nghiêm trọng, như bệnh lao và bệnh giang mai. Ước tính có khoảng 40 triệu liều thuốc kháng sinh được kê đơn tại Anh mỗi năm, trong đó có 10 triệu liều bị xem là không cần thiết .

Cẩm Tú

Theo Independent