Khẩn cấp bế, cõng nạn nhân tai nạn vào viện sớm nhất có nên không?
(Dân trí) - BS Nguyễn Tiến Văn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương (BV Đa khoa Nông nghiệp) cho biết, với đặc thù là cơ sở y tế nằm sát đường quốc lộ, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20 - 30 ca cấp cứu tai nạn, tuy nhiên còn nhiều trường hợp sơ cứu không đúng cách khiến bệnh nhân tổn thương nặng nề hơn.
Tại hội nghị khoa học chấn thương chỉnh hình thường kỳ diễn ra chiều 1/10, BS Văn cho biết, số ca tai nạn cấp cứu được đưa đến BV Đa khoa Nông nghiệp phần lớn là tai nạn giao thông, với khoảng 20 - 30 ca mỗi ngày.
Tuy nhiên, trong số các ca bệnh được đưa đến cấp cứu, một số trường hợp sơ cứu sai cách, do người dân thấy người bị nạn, chảy máu là nôn nóng đưa đến viện sớm nhất.
"Sai lầm thường gặp nhất, cũng là phản xạ tự nhiên của nhiều người khi thấy người bị nạn, đó là tập tức bế vác, cõng nạn nhân vào viện vì cho rằng nên đưa vào viện càng nhanh, càng tốt. Trong khi đó, với một số trường hợp như gãy chi thể lại không được nẹp giữ hay gãy cột sống không được cố định là một sai lầm nghiêm trọng, khiến nạn nhân càng thương tổn nặng nề hơn, dẫn đến bị liệt toàn thân, thậm chí dẫn tới tử vong", BS Văn nói.
Trong thực tế điều trị, đã có những trường hợp bị chết oan chỉ vì do cách khiêng lên cáng, lên ô tô không đúng phương pháp của người thân, của cộng đồng.
"Sơ cứu đúng cách, kịp thời sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh, giảm nguy cơ tổn thương thêm. Đôi khi những cách sơ cứu dù đơn giản lại có thể giúp người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc.
Như với người bị tai nạn giao thông mà vẫn hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được, đừng dại chở ngay người bệnh đến viện, mà hãy để bệnh nhân nằm nghỉ để theo dõi nhịp thở.
Còn khi bị gãy xương (thường là bị gãy cẳng chân, tay), triệu chứng rõ nhất là đau và có khả năng mất vận động bên bị gãy. Triệu chứng tại chỗ sưng, tím, thậm chí những chỗ gãy hở còn thòi cả xương.
Lúc này, không nên có những tác động vào vết gãy, vì tất cả những can thiệp đó có thể làm cho xương bị di lệch thêm. Tuyệt đối không kéo, nắn xương cho bệnh nhân.
Hãy đặt bệnh nhân tư thế nằm và nên nẹp tạm thời chỗ xương gãy lại, dù có thể không biết nẹp đúng quy cách, nhưng sẽ hạn chế di động của xương và để người bệnh đỡ đau, sau đó đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện.
Còn trong trường hợp thấy người bệnh chảy máu, hãy cầm máu cho bệnh nhân trước khi đưa tới viện, bằng cách lấy một cục bông đè mạnh vào vết thương - động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.
Với bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện ở tư thế nằm nhưng phải thận trọng trong nhấc bệnh nhân lên cáng, tuyệt đối không bế xốc bổng, bế gập người lại, mà cần 2 - 3 người, người giữ phần đầu vai, người vùng chân, người giữ vùng lưng để di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng nhất.
Trong mọi trường hợp khi sơ cứu, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải móc ngay ra. Nếu người bệnh không thở được thì phải hô hấp nhân tạo. Muốn hạn chế tình trạng suy hô hấp thì nên đặt bệnh nhân nằm đầu cao. Nếu bệnh nhân bị huyết áp thấp, hoặc bệnh nhân có bệnh sọ não cần lưu ý không nên đặt nằm ở tư thế đầu quá cao.
Theo PGS-TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc BV Đa khoa Nông nghiệp cho biết sơ cứu đúng cách cho người bị tai nạn là công việc rất phức tạp. Với mong muốn hạn chế những hậu quả đáng tiếc do sơ cấp cứu cho người bị tai nạn. Tại hội nghị này các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chấn thương ngoài chia sẻ các kinh nghiệm cấp cứu ngoại viện cũng đã cập nhật những tiến bộ mới trong điều trị về phẫu thuật điều trị các bệnh lý khớp gối, gãy xương cánh tay...
Theo các chuyên gia, đối với bệnh nhân phẫu thuật sau chấn thương việc phục hồi chức năng chiếm tới 40- 60% thành công của quá trình điều trị, do đó kể sau khi xuất viện người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.
Hồng Hải