Khám mắt qua loa, học sinh đeo kính cận oan
(Dân trí) - “Tôi đã từng dự 2 lần khám mắt cho học sinh ở trường học. Học sinh xếp hàng dài ngoài sân, một bảng chữ cái được treo trong lớp học, cao hơn đầu trẻ cả mét. Cô giáo áng chừng khoảng cách bằng cách đếm gạch, chẳng cần quan tâm ánh sáng đủ, đều....
... Còn học sinh từ ngoài sân bước vào phòng, chưa kịp quen với ánh sáng đã bị cô gọi lại đứng “bịt mắt” đo thị lực. Với các kiểm tra này, mỗi ngày có thể kiểm tra được từ 200 - 300 học sinh nhưng kết quả thì không thể chính xác”.
TS Nguyễn Đức Minh, Viện chiến lược và Chương trình giáo dục - Bộ GD & ĐT chia sẻ tại buổi tọa đàm Cận thị học đường, hậu quả và giải pháp phòng ngừa diễn ra sáng 1/4 tại BV Mắt TƯ.
Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Kim Dung, Vụ HS - SV, Bộ GD & ĐT cho rằng, công tác khám mắt học đường hiện nay rất qua loa. Trên thực tế, toàn quốc chỉ có 5/63 tỉnh thành có bác sĩ phụ trách y tế học đường, còn đại đa số cán bộ phụ trách y tế học đường chủ yếu là những giáo viên kiêm nhiệm, giáo viên thể dục, giáo viên dự phòng, đều là những người không có kiến thức chuyên môn về y tế.
Khám mắt không đúng quy cách, rồi cứ theo kết quả đó ghi vào y bạ, cắt kính nên việc điều chỉnh, phòng ngừa tật khúc xạ ở trẻ em chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Báo cáo tình hình tật khúc xạ ở Việt Nam, điều tra ở các vùng thành thị và nông thôn cho thấy: Hà Nội có tỷ lệ tật khúc xạ cao, cận thị ở khu vực thành thị là 27,86%, nông thôn là 17,95% (năm 2008). Trong đó, tỷ lệ tật khúc xạ ở học sinh tiểu học là 29,84%; học sinh trung học cơ sở là 49,57%. Con số này cho thấy, càng học lên cao, học sinh bị cận thị càng nhiều.
Bên cạnh đó, không phải ai bị cận thị cũng cần đeo kính. Nhưng những cán bộ y tế học đường chưa hẳn nắm bắt được vấn đề này. Nhiều khi trẻ cận dưới 0,75 điốp vẫn cho đeo kính, không hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi cho mắt khi đeo kính... Điều này là không có lợi, đặc biệt với trẻ em. Vì những trường hợp cận dưới 0,75 điốp, mắt trẻ có thể tự điều chỉnh tật khúc xạ.
TS Vũ Bích Thủy đưa ra lời khuyên, khi trẻ có triệu chứng nhìn gần như phải cúi sát mới đọc được sách, đứng gần mới xem được ti vi, hay nheo mắt, thị lực nhìn xa giảm, có cảm giác ruồi bay trong mắt, hay mỏi mắt, nhức đầu... thì cha mẹ nên đưa con đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt.
Khi đã bị cận thị, trẻ cần đeo kính đúng số, 6 -m 12 tháng khám lại một lần để điều chỉnh kính theo độ cận thị và phát hiện sớm biến chứng như đục dịch kính, thoái hóa võng mạc, bong võng mạc...
Để phòng bệnh cận thị, trẻ không nên đọc sách, làm việc bằng mắt ở khoảng cách gần liên tục quá lâu. Sau một giờ đọc sách, cần nghỉ 5 -10 phút, xoa nhẹ mi mắt. |
TS Nguyễn Chí Dũng, Viện Mắt TƯ cho biết, cả nước có khoảng gần 4 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ cần kính. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ trẻ có tật khúc xạ được điều chỉnh kính vẫn là rất thấp. Ngay tại những vùng trung tâm lớn, tỉ lệ này cũng chỉ đạt 60 - 70%. Đáng nói, tỷ lệ trẻ được chỉnh kính đúng chiếm rất thấp. Như tại TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ được đeo kính là 71% nhưng tỷ lệ được chỉnh kính đúng thị lực trên hoặc bằng 7/10 chỉ chiếm 51%. Ở Hải Phòng, con số này thấp hơn nhiều, theo số liệu thống kê năm 2005, chỉ 34% trẻ được chỉnh kính, trong đó, chỉ khoảng 50% số này được chỉnh kính đúng.
Riêng tại Hà Nội, điều tra năm 2008 cho thấy, 83,13% trẻ có tật khúc xạ được chỉnh kính nhưng số trẻ được chỉnh kính đúng còn thấp (chỉ có 67,5%). Ngoài ra, còn tới 16,87% trẻ có tật khúc xạ không có kính.
Nguyên nhân khiến nhiều trẻ dù được gia đình mua kính đeo nhưng kính không đúng chuẩn, đúng số. Theo TS Dũng, đó là do người dân mua kính ở các cửa hàng không đảm bảo chuyên môn, chất lượng.
TS Vũ Bích Thủy, Trưởng khoa mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt TƯ cho biết: Mỗi ngày, khoa Mắt trẻ em khám cho hàng trăm trẻ có các biểu hiện tật khúc xạ. Có bé đến khám trong tình trạng chưa từng đeo kính, có bé đến khám vì đeo kính nhưng khả năng nhìn rất kém.
“Có em đeo kính gọng rộng, trễ xuống mũi nên mỗi khi nhìn đều phải rướn mắt, có em lại đeo mắt kính áp sát vào mắt... là không đúng kỹ thuật và gây ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn. Một cặp kính thuốc không chỉ cần phải đo về độ cận, mà còn phải đảm bảo chiều rộng của gọng, chiều dài của càng kính. Mắt kính đúng công suất, đúng tâm trục thị giác, khoảng cách từ kính đến mắt là 12mm, độ nghiêng của kính là 12 độ. Tuy nhiên, không phải ở cửa hàng kính tư nhân nào cũng có kỹ thuật viên nắm được những điều cơ bản này. Vì thế, nhiều người bị tật khúc xạ nhưng đeo kính lại nhìn hình méo, gây nhức, mỏi mắt”, TS thủy nói.
Trong khi đó, theo một khảo sát gần đây của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) thì chỉ có 20% người bán kính thuốc có kiến thức về y khoa chứ không hẳn là chuyên khoa mắt. Điều này cho thấy có một tỉ lệ lớn bệnh nhân bị tật khúc xạ có nguy cơ đeo kính không đúng chuẩn.
Vì thế, TS Thủy đưa ra lời khuyên, việc khám thị lực cần phải thực hiện ở những nơi có chuyên môn. Đặc biệt là với trẻ em, cần phải thực hiện đúng quy trình khám mới đánh giá chính xác mức độ cận thị.
Hồng Hải