TPHCM:

Khám chữa bệnh trạm y tế phường xã, nguy cơ “vỡ trận”

(Dân trí) - Nhân sự vừa thiếu vừa yếu, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghèo nàn, danh mục thuốc quá “khiêm tốn” khiến các trạm y tế tuyến phường xã gần như không có bệnh nhân. Nếu không được đầu tư phát triển, hệ thống trạm y tế có nguy cơ bỏ không.

Từ ngày 1/3 quy định thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực cũng là thời điểm nhiều trạm y tế bắt đầu rơi vào tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh”. Để lắng nghe những khó khăn, tìm giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ phát triển trạm y tế phường xã, ngày 27/7 Sở Y tế thành phố đã có buổi giao ban với đại diện hệ thống y tế tuyến phường xã trên toàn địa bàn.

Nhiều trạm y tế phường xã, y bác sĩ đang phải tay không trị bệnh
Nhiều trạm y tế phường xã, y bác sĩ đang phải tay không trị bệnh

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề khó khăn chồng chất đã được nêu ra. Các đại biểu tham dự cho rằng, hiện nay công việc của trạm y tế quá nhiều nhưng nhân lực thì quá ít. “Núi” công việc chỉ có khoảng 4 đến 5 nhân sự phải đảm nhiệm bao gồm: phòng chống dịch bệnh, phòng chống lao, da liễu, cao huyết áp, phòng chống suy dinh dưỡng, HIV/AIDS, khám bệnh bảo hiểm y tế, triển khai mô hình bác sĩ gia đình...

Đại diện Trạm Y tế phường 12, quận Phú Nhuận cho biết: “Trên địa bàn quận, phần lớn trạm y tế chỉ có 4 nhân sự. Ngoài phòng chống dịch bệnh nói chung, đến nay chúng tôi phải theo dõi luôn nhóm bệnh nhân bị cao huyết áp. Chỉ tính riêng tại phường 12 đã có gần1.000 người cao tuổi mắc bệnh cao huyết áp. Để theo dõi nhóm bệnh này thường xuyên thì trong 1 tháng phải mất 18 đến 20 ngày nên không còn thời gian để làm những việc khác”.

Bên cạnh khó khăn về nhân sự, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại các trạm quá hạn chế, với khoảng 5 đến 7 danh mục thuốc. Rất nhiều người điều trị bệnh mạn tính ở bệnh viện quận, sau đó chuyển về trạm y tế nhưng không có thuốc điều trị trong danh mục bảo hiểm nên họ buộc phải quay lại bệnh viện quận. Mặt khác, kết quả khám, chẩn đoán tại trạm không được bệnh viện tuyến quận huyện chấp nhận nên phát sinh thêm chi phí, tốn thời gian của người bệnh, khiến bệnh nhân “bỏ” trạm y tế “chạy” lên tuyến trên.

Ngoài nhân sự, trang thiết bị và thuốc bảo hiểm là nhu cầu bức thiết để phát triển y tế phường xã
Ngoài nhân sự, trang thiết bị và thuốc bảo hiểm là nhu cầu bức thiết để phát triển y tế phường xã

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đang là vấn đề nan giải đối với các trạm y tế. Bên cạnh tình trạng khuôn viên, phòng bệnh chật chội, xuống cấp thì nhiều trạm y tế đến nay y bác sĩ gần như đang “tay không trị bệnh”.

Lãnh đạo Trạm y tế phường Bình Khánh, huyện Cần Giờ gay gắt phát biểu: “Chúng tôi gần như không có máy móc để khám bệnh, đến phương tiện tối thiểu nhất là chiếc máy vi tính trạm cũng chưa có, nhân viên không biết phần mềm quản lý bệnh án điện tử và cũng không có người hướng dẫn. Trong khi đó, lãnh đạo cấp trên vẫn chuyển văn bản chỉ đạo triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế, thử hỏi chúng tôi lấy gì mà làm”.

Trước tình hình trên, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính Kế toán (Sở Y tế) cho biết, dự kiến năm 2017 sẽ có 31 tỷ đồng từ ngân sách sẽ được đầu tư cho công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế tuyến phường xã. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai luân chuyển cán bộ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, khám bệnh trực tiếp tại khoa bệnh vệ tinh, phòng khám vệ tinh, một bộ phận bác sĩ sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ được phân công nhận nhiệm vụ tại trạm y tế phường xã.

Chính sách liên thông cho người bệnh có bảo hiểm y tế đã xác định, người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được khám chữa bệnh tại trạm, tại bệnh viện quận huyện mà không cần các thủ tục chuyển viện. Ngành y tế thành phố sẽ thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, từng bước tăng cường nhân lực chuyên môn, trang thiết bị để triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế.

Vân Sơn