Kêu gọi hiến máu để điều trị bệnh Ebola

(Dân trí) - Giám đốc một trung tâm điều trị ở Liberia, nước đang bị dịch Ebola tàn phá mạnh nhất tây Phi, đã kêu gọi những người từng bị nhiễm Ebola hiến máu để điều trị cho các bệnh nhân đang mắc bệnh.

 

Kêu gọi hiến máu để điều trị bệnh Ebola

 

Dịch bệnh đã giết chết hơn 2.800 người – nhiều hơn tất cả các vụ dịch Ebola trước đây cộng lại – phần lớn là ở Guinea, Liberia và Sierra Leone, nơi các dịch vụ y tế vốn đã yếu ớt đang ngày càng quá tải.

 

“Chúng tôi cần những người đã thoát khỏi bệnh đến đây và giúp chúng tôi bằng cách hiến máu”, Attai Omoruto, bác sĩ người Ugandan đang chịu trách nhiệm điều hành bệnh viện Island Clinic gồm 150 giường mới mở tại thủ đô Monrovia của Liberia.

 

Các nghiên cứu cho thấy việc truyền máu lấy từ người đã từng mắc bệnh Ebola có thể ngăn ngừa hoặc thậm chí điều trị bệnh cho những người khác. Trong tháng này WHO đã tuyên bố có thể dùng các chế phẩm và huyết thanh lấy từ máu của những người đã từng mắc bệnh để điều trị bệnh cho đến khi các thuốc thử nghiệm được đưa vào sản xuất.

 

William Pooley, bệnh nhân nam người Anh đã sống sót sau khi được điều trị ở London, đã bay tới Mỹ vào tháng này để hiến máu nhằm giúp cho một bệnh nhân khác đang mắc bệnh.

 

“Máu của những người khỏi bệnh có những kháng thể tiêu diệt vi rút Ebola ... Khi chúng tôi truyền máu tươi cho bệnh nhân, nó có thể sửa chữa các mạch máu, nhờ đó bệnh nhân không bị chảy máu”, anh nói.

 

Do dịch bệnh ở khu vực này vẫn trên đà gia tăng và người dân ở các nước bị ảnh hưởng đang ngày tuyệt vọng trong việc tìm kiếm sự trợ giúp, nên đã bắt đầu có những tin đồn về sự xuất hiện của thị trường chợ đen buôn bán máu của những người từng mắc bệnh.

 

“Chúng tôi chắc chắn sẽ đưa vấn đề này ra trước các chính phủ và sẽ cùng với họ ngăn chặn mọi hoạt động của thị trường chợ đen”, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan phát biểu hồi đầu tháng.

 

Cần đẩy mạnh gấp 20 lần

 

Sau sự khởi đầu chậm chạp và thừa nhận nỗi lo sợ rằng đại dịch có thể vượt ra khỏi tây Phi, đồ cứu trợ và trang thiết bị hiện đang dồn dập đổ tới khu vực này. Mỹ đã triển khai 3.000 nhân viên quân sự, chủ yếu ở Liberia.

 

Hơn 40 nhân viên quân sự Anh, bao gồm nhân viên hậu cần, lập kế hoạch và kỹ sư, đã tới Sierra Leone theo một chương trình trị giá100 triệu bảng Anh để tăng cường năng lực điều trị của nước này lên ít nhất 700 giường.

 

Mỹ đã thiết lập một đơn vị đặc biệt, có tên là UNMEER, để đối phó với Ebola và nhóm tiền trạm đã tới Accra, Ghana để bắt đầu thiết lập cơ sở hậu cần cho việc điều hành trên toàn khu vực.

 

Hôm thứ Tư đại sứ Trung Quốc tại Liberia cho biết nước này sẽ đóng góp khoảng 40 triệu đô la ngoài khoản hỗ trợ trước đây cho nỗ lực kiềm chế dịch bệnh.

 

"Cộng đồng quốc tế đang chung sức để hỗ trợ các nhân viên y tế địa phương,” Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu tại phiên hợp Đại hội đồng hôm thứ Tư. "Hiện chúng ta cần đẩy mạnh công tác điều trị, theo dõi, vận chuyển và trang thiết bị lên gấp 20 lần”.

Tuy những ổ dịch nhỏ ở Nigeria và Senegal cho đến nay có vẻ đã được kiểm soát, song dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở Guinea, Sierra Leone và Liberia.

 

Hôm thứ Ba vừa qua Trung tâm phòng chống bệnh dịch (CDC) Mỹ ước tính từ 550.000 đến 1,4 triệu người có thể sẽ bị nhiễm bệnh tại khu vực này tính đến cuối tháng Một năm sau.

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã ngay lập tức chỉ trích con số này vì đã không tính tới những nỗ lực ngày càng tăng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

 

“Thực sự là không thể dự đoán sẽ có bao nhiêu trường hợp nhiễm Ebola trong 4 tháng tới”, GS Peter Piot, hiệu trưởng trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London nói. “Trừ phi CDC có những số liệu mà không ai có, còn thì ước tính này hoàn toàn vô ích”.

 

Đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, Sierra Leone đã thực hiện những biện pháp mạnh mẽ nhất, ban hành lệnh giới nghiêm 3 ngày trên cả nước trong tuần qua khi tình nguyện viên giáo dục cho người dân địa phương về bệnh dịch, xác địnhnhững trường hợp nhiễm mới và khoanh vùng các xác chết.

 

Hôm thứ Ba, nước này đã đóng cửa biên giới với nước láng giềng Guinea và Liberia.

 

Trong khi đó, Guinea vẫn đang phải vất vả để vượt qua sự từ chối của người dân địa phương, cũng như thái độ nghi ngờ và thù địch đối với nhân viên y tế.

 

Ở thành phố Forecariah, cách thủ đô Conakry khoảng 100km, người dân đã tấn công và cướp phá trụ sở cơ quan y tế địa phương sau khi nhân viên y tế đến để thiêu xác 3 người trong một gia đình bị chết vì Ebola.

 

Vụ tấn công xảy ra một tuần sau khi 8 thành viên một nhóm đang cố gắng hướng dẫn cho người dân về nguy cơ của vi rút Ebola bị sát hại tại một vùng hẻo lánh miền đông nam Guinea.

 

Hôm thứ Ba Guinea đã báo cáo về những ca bệnh mới, bao gồm 2 trường hợp tử vong, tại thành phố Dalaba, cách thủ đô Conakry khoảng 300km.

 

Cẩm Tú

Theo Asiaone