Kẹt vào khe nệm, bé 6 tháng tuổi tử vong thương tâm

Vân Sơn

(Dân trí) - Người cha tỉnh giấc phát hiện con nằm bất động ở khe nệm sát tường, cơ thể đã tím tái. Dù bác sĩ nỗ lực hồi sức nhưng tai nạn hy hữu đã cướp đi sinh mạng của bệnh nhi 6 tháng tuổi.

Ngày 6/11, thông tin từ BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp tử vong trước khi vào viện với tình huống rất thương tâm. Theo đó, vào lúc 9 giờ ngày 3/11 khoa Cấp cứu tiếp nhận một trường hợp 6 tháng tuổi, ngụ tại quận 8 được bố mẹ bế vào viện trong tình trạng ngưng tim ngưng thở. 

Khai thác nhanh bệnh sử của bác sĩ từ cha mẹ bệnh nhi ghi nhận, khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, bé đang nằm ngủ cạnh bố và mẹ trên nệm có bề dày 26cm sát mặt đất, bé tỉnh giấc khóc đòi sữa khiến cả bố và mẹ đều tỉnh dậy. Bố cho bé bú sữa bình, sau đó đi ngủ tiếp còn mẹ xuống nhà ăn sáng rồi đi chợ.

Kẹt vào khe nệm, bé 6 tháng tuổi tử vong thương tâm - 1
Nhiều vụ tai nạn dẫn tới tử vong thương tâm đã xảy ra khi cho trẻ ngủ cùng người lớn

Lúc 7 giờ sáng, người cha tỉnh dậy không thấy con nằm trên nệm, anh quay sang thấy bé nằm sấp, úp mặt, kẹt cả thân người trong khoảng hở giữa thành nệm và tường. Người cha vội vàng lật bé dậy thì phát hiện con đã tím tái toàn thân, không cử động, nên tức tốc bế vào bệnh viện. 

Thời điểm tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ nhận định bé có thể đã tử vong từ lâu vì đồng tử giãn và mất phản xạ ánh sáng, trương lực cơ tương đối cứng và không còn phản xạ hầu họng. Dù nhận được sự tích cực hồi sức suốt 1 giờ của ê kíp trực nhưng bé hoàn toàn không có nhịp tim trở lại.

Từ tai nạn thương tâm trên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên cẩn trọng khi cho trẻ nhỏ ngủ chung. Cần hết sức chú ý những khoảng hở giữa giường và tường, dù là nhỏ. Trẻ nhỏ khi đã biết lật, các bé có thể tự lật và kẹt vào khoảng hở nhưng chưa có khả năng tự thoát ra được. Khi bị kẹt quá lâu trẻ sẽ bị ngạt, thiếu oxy não dẫn tới tử vong.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), để giữ an toàn cho trẻ khi ngủ, nên tuân thủ nguyên tắc ABC. A (Alone) – trẻ không nên ngủ chung với người lớn vì luôn tiềm tàng mối nguy cơ trẻ có thể bị chính người lớn đè ngạt, và thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp. B (Back) – trẻ nên nằm ngửa khi ngủ vì thói quen nằm sấp ở một số trẻ sơ sinh và nhũ nhi có thể khiến trẻ không tự xoay ngửa lại được và bị ngạt. C (Crib) – nên cho trẻ ngủ trong nôi có thành nôi chắc chắn, khoảng hở giữa các song chắn không được quá rộng cho các bộ phận trên cơ thể trẻ lọt vào. Nếu có thể nên đặt nôi cạnh giường bố mẹ để bố mẹ kịp thời phát hiện những bất thường của con trong nôi.