Kết quả thanh tra giá thuốc: Những con số gây sốc
Kết quả thanh tra giá thuốc cho thấy có quá nhiều bất cập trong lĩnh vực quản lý thị trường tân dược ở nước ta.
Giá bán chênh lệch tới 300%!?
Theo ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế, trong 1 tháng qua, các đoàn thanh tra liên ngành (gồm Bộ Y tế, Thương mại, Tài chính, Công an) đã đột xuất thanh tra giá thuốc của 54 cơ sở dược, trong đó 5 công ty nhập khẩu, 2 cơ sở sản xuất, 28 cơ sở kinh doanh dược phẩm trung gian, 5 nhà thuốc công ty, 10 khoa dược, nhà thuốc bệnh viện (BV), 4 nhà thuốc.
Kết quả thanh tra cho thấy, cơ bản các đơn vị đều có đầy đủ hồ sơ pháp lý cần thiết để hoạt động kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn cơ sở sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược hết hạn. Tuy các cơ sở kinh doanh thuốc đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chứng từ và hóa đơn thuế hợp lệ, nhưng vẫn còn tình trạng kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc (đơn cử nhà thuốc Hòa Hảo tại Trung tâm Khám bệnh Medic, TPHCM kinh doanh thuốc Aspirin không rõ nguồn gốc).
Phần lớn các nhà thuốc chưa lưu hóa đơn mua hàng theo quy định; có dấu hiệu mua bán thuốc lòng vòng nhằm nâng giá bán cao hơn nhiều lần giá đã kê khai trong hồ sơ xin cấp giấy đăng ký lưu hành tại Cục Quản lý dược VN (điển hình là thuốc Difosfen 30 viên/hộp, do Công ty cổ phần Thiết bị y tế Hà Nội nhập khẩu mua bán qua 5 cơ sở, nâng giá bán lên gấp 300% so với giá kê khai). Về thực hiện các quy định quản lý giá thuốc, kết quả thanh tra cho thấy, nhiều cơ sở chỉ niêm yết giá bán thuốc một số loại.
Đặc biệt, khi kiểm tra ngẫu nhiên một số mặt hàng nhập khẩu, giá nhập khẩu thực tế thường thấp hơn giá kê khai, cá biệt có loại giá nhập khẩu chỉ bằng 50% giá kê khai. So sánh giá nhập khẩu một số mặt hàng với giá bán tại nhà thuốc BV, công ty TNHH có sự chênh lệch cao tới 300%. Đối với các mặt hàng do công ty độc quyền phân phối thuốc thì tỷ lệ chênh lệch giữa giá thuốc mua vào và giá bán ra thường từ 20%-60%, tuy nhiên cá biệt có mặt hàng cao tới 279%.
Qua kết quả thanh tra, đoàn thanh tra nhận định, giá thuốc có biến động tăng nhẹ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến bán buôn, bán lẻ và cung ứng vào BV. Nguyên nhân tăng giá thuốc trong thời gian qua là do tỷ giá hối đoái EU tăng, chi phí sản xuất (gas, điện, khí oxy… tăng); nguyên liệu tăng giá. Tuy nhiên, việc tăng giá của một số nhà cung cấp nước ngoài là chưa phù hợp, các DN này chỉ điều chỉnh lại giá bán bất hợp lý khi bị Bộ Y tế “sờ gáy”.
Ngày 3/5, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ký công văn số 2235/VPCP yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục triển khai thực hiện quản lý giá thuốc theo các quy định hiện hành, giữ ổn định thị trường thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân, không để xảy ra những biến động bất thường về giá thuốc. Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành ngay các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 về quản lý giá thuốc.
Kết quả khảo sát giá thuốc từ 1/1/2007 đến hết tháng 4/2007) của ngành y tế cho thấy, trong số 1.435 mặt hàng thuốc thành phẩm có 55 loại có giá nhập khẩu tăng 2%-75% (tỷ lệ tăng trung bình là 9,5%). Qua khảo sát 1.538 mặt hàng thuốc nội, có 45 loại tăng giá 0,5%-25%; khảo sát 1.850 mặt hàng thuốc nhập ngoại, có 97 loại tăng giá 0,5%-57,5%. |
Từ thực tế thanh tra, Thanh tra Bộ Y tế kiến nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành để quản lý nhà nước về giá thuốc. Cụ thể, nhằm hạn chế và tránh khả năng các công ty nước ngoài nâng giá bán trước khi nhập khẩu vào VN, cần có biện pháp kiểm soát việc kê khai giá đúng thực chất, đặc biệt cần có quy định cụ thể các yếu tố cấu thành giá khi các DN kê khai giá thuốc với Cục Quản lý dược VN. Mặt khác, Bộ Y tế cần sớm ban hành thông tư quản lý giá thuốc bảo đảm giá trần cung ứng thuốc vào cơ sở khám chữa bệnh công lập phù hợp, tạo điều kiện cho DN dược phát triển đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
Đối với thuốc kinh doanh trên thị trường, Thanh tra y tế kiến nghị, cần nghiên cứu xây dựng khung giá bán buôn, giá bán lẻ để tránh hiện tượng buôn bán lòng vòng đẩy giá thuốc lên cao. Xem xét sửa đổi thông tư về việc hướng dẫn đấu thầu thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh công lập. Xây dựng hệ thống phân phối đủ mạnh để điều tiết giá thuốc trong việc cung cấp cho hệ điều trị từ quỹ bảo hiểm và ngân sách nhà nước.
Tăng cường quản lý hoạt động các cơ sở kinh doanh thuốc trung gian (các công ty TNHH, công ty cổ phần) dựa trên tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự… nhằm tránh hiện tượng mua bán lòng vòng đẩy giá thuốc lên quá cao. Đồng thời, các bộ liên quan cần quy định khung giá bán thuốc tại nhà thuốc BV nhằm hạn chế giá bán thuốc tại BV cao hơn giá thị trường (hiện nay, việc không quy định tỷ lệ chênh lệch giữa giá nhập và giá bán tại các nhà thuốc BV khiến giá bán ở đây luôn cao hơn thị trường). Áp dụng các biện pháp hạn chế hay thay thế hàng độc quyền giá cao bằng các mặt hàng tương đương có giá hợp lý.
Theo ông Trần Quang Trung, tuy đoàn thanh tra liên ngành đã tạm dừng hoạt động thanh tra giá thuốc, nhưng, thanh tra các Sở Y tế sẽ tiếp tục thanh tra trong thời gian tới. “Kết quả thanh tra sẽ là căn cứ quan trọng để bộ Y tế và các bộ liên quan quyết định sẽ ban hành thông tư quản lý giá thuốc theo phương thức nào (thặng số hay giá trần) trong tháng 5 này”, ông Trung nói.
Theo Phan Thảo
Sài Gòn giải phóng