Kê đơn thuốc vô tội vạ cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế

Trong khi nhiều nước trên thế giới, tiền thuốc chỉ chiếm 25 - 40% trong tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT thì ở nước ta luôn chiếm đến 60%.

Đứa con gái 3 tuổi của chị Vũ Nguyệt Minh ở phố Bạch Mai (Hà Nội) được chẩn đoán viêm mũi họng. Cầm đơn thuốc do bác sĩ kê, chị giật mình vì có đến 9 loại thuốc, trong đó có 3 loại kháng sinh gồm Cefaclor, Azithromycin, Nemydexan.

 

Thuốc không tương ứng với bệnh

 

Tình trạng lạm dụng thuốc không chỉ xảy ra tại nhiều phòng khám tư mà còn phổ biến ở các bệnh viện (BV) công lập. Một khảo sát được thực hiện tại một số BV tuyến Trung ương đã “điểm mặt” trên 50% số đơn thuốc được bác sĩ kê từ 6-10 loại thuốc, 10%  kê 11-15 loại và gần 2% kê từ 16-20 loại, cá biệt có đơn kê trên 20 loại.

 

Một trường hợp phản ứng thuốc được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

Một trường hợp phản ứng thuốc được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

 

Đáng chú ý là kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc trong khi theo đánh giá của Hội đồng Thuốc và Điều trị (Bộ Y tế), có một nửa số thuốc kháng sinh trong những đơn  này là không cần thiết. Thậm chí có những đơn còn kê thuốc không tương ứng với tình trạng bệnh được chẩn đoán.

 

Với việc chỉ định thuốc vô tội vạ, dự kiến năm 2012, số tiền thuốc BHYT có thể lên đến 11.700 tỉ đồng (chiếm 61% tổng chi), con số này cũng tương đương năm 2011. Đây được đánh giá là tỉ lệ quá lớn so với nhiều nước trên thế giới (tiền thuốc thường chỉ ở mức 25-40% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT).

 

Nhiều kháng sinh mất tác dụng

 

Bộ Y tế cho biết theo quy định, thuốc kháng sinh nằm trong danh mục 30 loại thuốc cấm bán khi không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên trên thực tế, việc mua kháng sinh quá dễ dàng, thậm chí chính người bán thuốc còn kiêm luôn vai trò tư vấn, kê đơn cho người mua.

 

Thống kê của Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai cho thấy có đến 60% trường hợp ngộ độc hay sốc thuốc phản vệ là do người bệnh tự mua thuốc về điều trị. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh do lạm dụng thuốc xuất hiện ngày càng phổ biến. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện một số kháng sinh thông thường (như: penicillin, tetracycline, streptomycine...) gần như không còn tác dụng với nhiều loại vi khuẩn.

 

Thuốc “đá” nhau, người bệnh thiệt

 

Không chỉ kê nhiều loại thuốc mà trong nhiều đơn thuốc còn xuất hiện cả những loại thuốc “đá” nhau. TS Trần Nhân Thắng, Phó Khoa Dược BV Bạch Mai, lưu ý không phải cứ dùng nhiều thuốc là tốt. Sự tương tác do sử dụng nhiều thuốc có thể làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc, tăng độc tính, thậm chí dẫn đến phản ứng xuất huyết, suy tạng, tử vong…

 

Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị tim mạch Viện Tim mạch quốc gia, nói thuốc dễ bị lạm dụng nhất là kháng sinh. “Có những trường hợp bệnh nhân dùng kháng sinh cũng được hoặc không cũng chẳng sao. Tuy nhiên, chỉ vì muốn yên tâm nên bác sĩ không ngần ngại kê vào. Thậm chí có những đơn thuốc tiền triệu mà bác sĩ kê cho bệnh nhân chỉ để mua lại sự yên tâm cho chính họ”, bác sĩ Hùng nhìn nhận.

 

Theo tiết lộ của một bác sĩ làm việc lâu năm tại  một BV lớn ở Hà Nội, nhiều khi bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân không hẳn vì bệnh buộc phải dùng thuốc đó mà chỉ đơn giản là nhắm vào khoản “hoa hồng” từ các công ty dược. Nhất là những đơn thuốc có “pha” thực phẩm chức năng. “Trong cơn bạo bệnh, dù là thuốc hay thực phẩm chức năng thì người bệnh cũng chỉ mong mua đúng loại mà bác sĩ kê”, bác sĩ này nhấn mạnh. 

 

Bình bệnh án để tránh lạm dụng

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức bình bệnh án, cảnh báo các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, hiện BV này đã xây dựng được 204 phác đồ chẩn đoán và điều trị chuẩn của 14 chuyên ngành. Đây được coi là thước đo nhằm loại trừ việc lạm dụng thuốc và các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng.

 

“Với những đơn thuốc được kê bất hợp lý bị BHYT xuất toán, bác sĩ sẽ phải bỏ tiền túi bồi thường”, ông Hiền khẳng định.
 

5 loại thuốc có tần suất sử dụng cao bất thường

 

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, khẳng định sẽ kiên quyết từ chối thanh toán các loại thuốc có giá cao bất hợp lý. Vừa qua, cơ quan này đã có công văn yêu cầu BHXH các địa phương phối hợp với sở y tế điều chỉnh việc cung ứng, sử dụng một số loại thuốc được kê nhiều bất thường.

 

Thống kê mới nhất của BHXH Việt Nam cũng cho thấy có 5 loại thuốc BHYT được sử dụng với tần suất cao bất thường. Đó là Glutathion tiêm, Ginko biloba uống, Arginin uống, Glucosamin uống L, Ornithin-L-aspartat tiêm. Chỉ trong nửa năm 2011, tiền chi cho 5 loại thuốc này đã lên đến 218 tỉ đồng, chiếm đến 4,16% tổng chi phí thuốc BHYT.

 

Theo Ngọc Dung

Người lao động