Intralase: Phương pháp ghép giác mạc mới

(Dân trí) - Nhân dịp ca ghép giác mạc sử dụng máy Intralase lần đầu tiên ở châu Á được thực hiện vào tháng 5/2007 tại trung tâm mắt Parkway (Bệnh viện Gleneagles), phóng viên báo KH&DT đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lee Hung Ming về công nghệ mới này.

Bác sĩ Lee Hung Ming - Giám đốc Trung tâm Mắt của Tập đoàn y tế Parkway (Singapore) được biết đến là nhà phẫu thuật đầu tiên trên thế giới thực hiện phương pháp LASIK wavefront sử dụng công nghệ nhận dạng mống mắt (Iris-recognition) vào năm 2004. Ông cũng là bác sĩ đầu tiên thực hiện cấy, ghép thủy tinh thể vào mắt để điều trị cận thị...

 

Xin ông cho biết đôi nét sơ lược về thiết bị mà ông đang sử dụng để ghép giác mạc hiện nay?

 

Loại thiết bị dùng để cắt giác mạc tôi sử dụng là loại máy Intralase, hiện nay chỉ có duy nhất một chiếc ở châu Á với phần mềm cho phép cắt giác mạc theo bất cứ hình dạng mong muốn  nào.

 

Loại máy này có ưu thế là cắt chính xác phần giác mạc cần loại bỏ nên quá trình lành vết thương diễn ra nhanh hơn. Mặt khác, vết cắt càng chính xác và khéo léo, càng giảm nguy cơ loạn thị hoặc mờ mắt sau khi ghép giác mạc. Bệnh nhân có thể phục hồi thị lực trong thời gian 1 tháng, sớm hơn nhiều so với thời gian 3 đến 6 tháng khi áp dụng các phương pháp trước đây.

 

Với một thiết bị hiện đại như vậy, bác sĩ cần phải hội tụ những điều kiện gì mới được tham gia phẫu thuật?

 

Yêu cầu bắt buộc đặt ra cho mỗi bác sĩ khi được chính thức phẫu thuật không chỉ là học cách sử dụng thiết bị Intralase, mà trước đó cần phải thực hiện ít nhất 500 ca phẫu thuật bằng phương pháp LASIK. Bản thân tôi đã thực hiện khoảng 3.000 ca phẫu thuật bằng phương pháp LASIK trước khi tiếp nhận thiết bị mới. Và với tư cách là người đầu tiên tham gia ca phẫu thuật bằng thiết bị mới tại châu Á, thì dù đã nắm rất chắc về kiến thức Intralase, tôi vẫn phải sang Mỹ để nghiên cứu và tìm hiểu.

 

Bác sĩ đã từng điều trị cho bệnh nhân nào là người Việt Nam chưa và nếu có, kết quả được đánh giá  như thế nào?

 

Giữa tháng 7/2007, tôi đã điều trị cho một cụ bà 79 tuổi người Việt Nam. Sau một năm điều trị ở trong nước không khỏi, gia đình đã đưa bà sang Singapore để điều trị tiếp. Vào thời điểm đó, bệnh nhân bị đau mắt và thị lực rất kém. Một tuần sau phẫu thuật, cắt bỏ phần thủy tinh thể bị đục, bà cụ đã hoàn toàn có thể nhìn thấy bằng mắt phải.

 

Ông là người luôn đề cao việc ứng dụng công nghệ mới, vậy khi chia sẻ kinh nghiệm tại những nơi chưa có công nghệ mới như ở Việt Nam, ông có nghĩ sẽ khập khiễng?

 

Đây là một câu hỏi rất thú vị. Tôi sẽ chọn chủ đề thích hợp để tham gia hội thảo đối với từng nước. Những nước có công nghệ y học hiện đại như Úc, Malaysia sẽ có chủ đề khác với những nước có trình độ thấp hơn như Việt Nam. Ở Việt Nam, tôi chủ yếu giới thiệu những mô hình, công nghệ y học mới đã được các nước ứng dụng. Còn ở những vấn đề liên quan đến đào tạo thì tôi sẽ đi vào những vấn đề cơ bản hơn, để từng bước giúp các bác sỹ Việt Nam tiếp nhận được công nghệ mới một cách phù hợp.

 

Là một chuyên gia nhãn khoa, ông có lời khuyên gì cho người dân để phòng chống các loại bệnh về mắt?

 

Nếu như không phải do tai nạn, hay tuổi già thì việc gìn giữ sức khỏe từ chính bản thân là yếu tố quan trọng. Nguyên nhân từ những thói quen trong sinh họat sẽ ảnh hưởng tới đôi mắt của mỗi người.

 

Ở trẻ em, đọc sách không đúng cách có thể gây ra cận thị. Với tất cả mọi người, ánh sáng mặt trời có thể gây ra đục thủy tinh thể hoặc hút thuốc cũng gây ra thoái hóa võng mạc. Thậm chí, đeo kính áp tròng nếu vệ sinh không tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến mắt. Vì vậy, mỗi người hãy tự giữ lấy sức khỏe và tự bảo vệ lấy đôi mắt của mình.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Lan Hương (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm