Hy vọng mới trong việc sử dụng máu cuống rốn để điều trị ung thư

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu vừa phát triển một phương pháp mới để khiến các tế bào gốc máu cuống rốn trở nên dễ cấy ghép hơn, từ đó cải thiện hiệu quả điều trị ung thư máu ở cả trẻ em lẫn người lớn.

Tế bào gốc máu hay còn được biết đến với tên gọi tế bào gốc tạo máu (HSCs) là một loại tế bào toàn năng có thể tạo ra mọi loại tế bào có trong máu, bao gồm: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. HSCs có nhiệm vụ đảm bảo cho quá trình sản sinh máu trong suốt cuộc đời của con người. Khi điều trị một vài loại ung thư và các bệnh rối loạn máu di truyền, đôi khi cần phải thay thế tủy xương bằng phương pháp ghép HSCs.

Hy vọng mới trong việc sử dụng máu cuống rốn để điều trị ung thư - 1

Từ HSCs có thể tạo ra mọi loại tế bào máu có trong cơ thể người.

Cuống rốn là một kho tàng HSCs rất dồi dào và hữu dụng. Cấy ghép tế bào gốc máu cuống rốn còn giúp hạn chế biến chứng so với tế bào gốc ở tủy xương. Mặc dù phương pháp cấy ghép tế bào từ cuống rốn đã được sử dụng với trẻ em trong suốt 3 thập kỷ qua, nhưng hầu hết đơn vị máu cuống rốn vẫn không chứa đủ lượng HSCs tương thích cho trẻ lớn và người trưởng thành.

Một nghiên cứu mới đây có lẽ đã tìm ra lời giải cho vấn đề nêu trên, khi phát hiện ra rằng, một loại protein có tên NOV, thường được tìm thấy với hàm lượng thấp trong máu, có thể được sử dụng để nhân nhanh lượng HSCs trong máu cuống rốn.

TS Rajeev Gupta (Viện nghiên cứu Ung thư UCL), đại diện nhóm tác giả cho biết: “Chúng tôi từng khám phá được rằng, một loại protein điều hòa có tên NOV là nhân tố cần thiết để đảm bảo chức năng của HSCs ở con người diễn ra bình thường. Từ kết quả này, chúng tôi tiếp tục đặt ra câu hỏi liệu có thể dùng NOV có độ tinh sạch cao, để tạo tác động lên HSCs trong cuống rốn và khiến chúng trở nên dễ cấy ghép hơn hay không?”.

Hy vọng mới trong việc sử dụng máu cuống rốn để điều trị ung thư - 2

Theo chuyên gia này, trước đây, để làm tăng số lượng HSCs trong máu cuống rốn là rất đắt đỏ và khó khăn. Thậm chí, không phải tất cả HSCs hiện diện trong máu cuống rốn đều có thể được sử dụng để cấy ghép. Có đến 30% đơn vị máu cuống rốn không có đủ lượng HSCs có chức năng cần thiết cho việc cấy ghép và đã phải vứt bỏ.

Bằng cách nuôi cấy tế bào và tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên chuột thí nghiệm, nhóm tác giả nhận thấy, máu cuống rốn khi được tiếp xúc với NOV thì khả năng cấy ghép sẽ tăng lên đáng kể. Cụ thể hơn, loại HSCs có chức năng đã tăng lên gấp 6 lần. Đáng kinh ngạc hơn là điều này xảy ra chỉ sau 8 tiếng tiếp xúc.

“Sử dụng NOV, chúng tôi đã có thể nhanh chóng tác động vào tế bào gốc tạo máu từ đó biến đổi trạng thái của chúng, cụ thể là biến đổi HSCs không có chức năng thành HSCs có chức năng. Phát hiện này đã mang đến một giải pháp mới để các đơn vị máu cuống rốn chứa ít tế bào gốc trở nên hữu dụng, từ đó sẽ có nhiều bệnh nhân ung thư máu cũng như bệnh nhân mắc chứng rối loạn máu di truyền được cứu chữa hơn” - TS Rajeev Gupta nhấn mạnh về công trình khoa học này.

Nhóm tác giả cũng chia sẻ rằng, trong thời gian tới, họ sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng để kiểm chứng xem kết quả nghiên cứu này có thực sự hữu ích với các bệnh nhân ung thư máu hay không?

Minh Nhật

Theo Medical Xpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm