Hy hữu “nuốt chửng” bọ cánh cứng, bé 8 tháng suýt tử vong

(Dân trí) - Thấy con bọ cánh cứng bay lượn trước mặt, cậu bé há miệng như muốn ăn, không ngờ con vật bay thẳng vào, lọt xuống khí quản. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tím tái, suy hô hấp cấp.

Tai nạn hi hữu trên xảy đến với bé Nguyễn Văn Chí Th. (8 tháng tuổi). Cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp cấp, tím tái.

Qua khai thác bệnh sử từ người mẹ, bác sĩ ghi nhận trước đó cháu đang nằm chơi trong nhà thì xuất hiện một con bọ cánh cứng bay lượn trước mặt.

Những mảnh xác của con bọ cánh cứng được bác sĩ gắp ra từ đường thở bệnh nhi
Những mảnh xác của con bọ cánh cứng được bác sĩ gắp ra từ đường thở bệnh nhi

Theo phản ứng tự nhiên, bé há miệng lớn như muốn ăn. Thấy bọ bay trước mặt con, người mẹ đưa tay để chụp thì bất ngờ nó đổi hướng bay, lao thẳng vào miệng cậu bé, ngay lập tức cháu ho sặc sụa.

Tá hỏa, người mẹ đưa tay vào móc miệng con để bắt bọ ra ngoài nhưng bất thành. Bé rơi vào tình trạng tim tái thở hước, được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

BS Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai Mũi Họng cho hay, qua hình ảnh nội soi ghi nhận, niêm mạc khí quản của bé bị phù nề, con bọ (khoảng 2cm) nằm ngay vị trí chia 2 thùy phế quản (trái - phải). Do bọ tiết dịch a xít nên khí quản của bé bị phụ nề, tình trạng suy hô hấp ngày càng nặng thêm.

Trong lần nội soi thứ nhất, các bác sĩ chỉ gắp được nửa thân dưới (vùng bụng) của con bọ, phần còn lại tiếp tục lọt sâu hơn xuống đường thở.

Bằng các giải pháp chuyên môn, các bác sĩ đã khai thông đường thở cho bệnh nhi, đồng thời chăm sóc, theo dõi tích cực tình trạng hô hấp. Khi các chỉ số sinh hiệu đã ổn định, cuộc nội soi lần thứ 2 được thực hiện. Sau nhiều lần gắp, toàn bộ xác (bị vỡ nhiều mảnh) của con bọ nằm trong đường thở của bé đã được lấy ra ngoài.

Chiều 8/6, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, cháu may mắn không bị xẹp phổi cũng như ảnh hưởng đến hệ thần kinh do thiếu ô xy nuôi não.

Qua trường hợp trên BS khuyến cáo, khi trẻ bị hóc, sặc dị vật, người ứng cứu tuyệt đối không nên đưa tay móc dị vật ra ngoài bởi nguy cơ ngón tay có thể đẩy dị vật vào sâu hơn. Người ứng cứu cần bình tỉnh xử lý bằng các biện pháp vỗ lưng, ấn ngực hoặc phương pháp Heimlich. Mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về cấp cứu ban đầu để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra với bản thân và người khác.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm