Hy hữu bé gái 3 tuổi có lồng ngực lõm như chiếc chén, đặt vừa quả trứng vịt

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trước tình trạng lõm ngực sâu và dị dạng đường dẫn khí phổi bẩm sinh của bé gái, ekip điều trị đã rất đắn đo trong việc có nên phẫu thuật hay không.

Đó là trường hợp của bé N.T. (3 tuổi, quê Ninh Thuận). Theo lời kể của người mẹ, từ khi chào đời bé đã mang dị tật lõm ngực sâu bẩm sinh, tuy nhiên bác sĩ tư vấn cho người nhà theo dõi đến khi trẻ được 8 tuổi mới tiến hành phẫu thuật.

Thời gian đầu, sức khỏe của bé không có biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên sau đó, bé có 3 lần phải nhập viện vì tình trạng viêm phổi không rõ nguyên nhân.

Hy hữu bé gái 3 tuổi có lồng ngực lõm như chiếc chén, đặt vừa quả trứng vịt - 1

Bé gái có ngực lõm sâu bẩm sinh (Ảnh: BV).

Đến tháng 6, bé xuất hiện triệu chứng ho đàm, thở mệt và sốt liên tục trong 10 ngày. Tại bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, bệnh nhân được điều trị kháng sinh tích cực nhiều ngày nhưng không cải thiện.

Thấy con vẫn ho nhiều, thở mệt, cha mẹ bé T. đã xin chuyển bệnh nhi vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM). Tại đây ngoài tình trạng lõm ngực nặng, qua siêu âm ngực, các bác sĩ phát hiện bé có một số ổ bóng khí ở giữa phổi phải, dấu hiệu của tình trạng CPAM (dị dạng đường dẫn khí phổi bẩm sinh).

Kết quả siêu âm tim cho thấy bé gái có nhịp tim không đều, đồng thời bị hở van ba lá.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, bé T. có độ lõm ngực rất sâu, gấp 3 lần mức độ lõm ngực nặng bình thường. Các xương vùng ngực của bé lõm sâu xuống, ép vào nhau và ép tim.

Hy hữu bé gái 3 tuổi có lồng ngực lõm như chiếc chén, đặt vừa quả trứng vịt - 2

Tình trạng lõm ngực nặng của bé qua hình ảnh siêu âm (Ảnh: BV).

Nếu càng để lâu, van 3 lá sẽ hở ra nặng hơn, từ bệnh lý về xương chuyển thành bệnh lý tim mạch rất phức tạp. Ngoài ra vì tình trạng CPAM, bệnh nhi cũng viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, nguy cơ gây ảnh hưởng phổi nặng nếu kéo dài.

Để xử lý tình huống trên, ekip điều trị phải rất đắn đo. Có ý kiến cho rằng, bé còn nhỏ quá, nên để theo dõi thêm. Nhưng cuối cùng, các bác sĩ đã quyết định phải phẫu thuật để đảm bảo an toàn tính mạng cho bé.

Ca mổ "kép" được tiến hành trong 3 giờ đồng hồ. Các bác sĩ vừa phải cắt phổi, vừa đặt thanh nâng xương ức để điều trị lõm ngực cho bé. Bởi nếu tiến hành 2 lần khác nhau, việc phẫu thuật sẽ càng khó khăn và nguy hiểm.

Quá trình mổ, ekip không khỏi ngỡ ngàng khi vết lõm ngực của bé quá lớn, có thể đặt vừa cả quả trứng vịt vào. Hậu phẫu và trải qua 2 ngày thở máy, sức khỏe bệnh nhi đang dần phục hồi.

Dự kiến, bé sẽ xuất viện và tái khám theo từng tháng. Sau đó 1,5 năm, bệnh nhi sẽ được phẫu thuật lấy thanh nâng ngực ra khỏi cơ thể, khi ngực đã được định hình.

Hy hữu bé gái 3 tuổi có lồng ngực lõm như chiếc chén, đặt vừa quả trứng vịt - 3

Sau ca mổ, sức khỏe bé dần phục hồi (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, lõm ngực là tình trạng phát triển không đối xứng bẩm sinh của xương, khiến lồng ngực bị ép sâu xuống.

Thông thường, các trường hợp trẻ lõm ngực dưới 5 tuổi sẽ không bị các hội chứng ảnh hưởng, vẫn sinh hoạt bình thường. Sau giai đoạn này, những biến chứng như ép tim, hở van tim... sẽ xuất hiện, nên bệnh nhi sẽ được xem xét phẫu thuật.

Độ tuổi phù hợp nhất thực hiện mổ là 8-12 tuổi. Với các trường hợp nhỏ tuổi nhưng bị hội chứng hạn chế nặng hoặc kèm các bệnh lý bẩm sinh, trẻ có thể được chỉ định mổ sớm.

Theo thống kê, hàng năm Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật trên dưới 100 ca ngực lõm, tập trung vào dịp hè. Trường hợp của bé T. cũng là ca mổ kết hợp điều trị lõm ngực và cắt thùy phổi trên bệnh nhi nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay tại nơi này.