Quảng Nam:

Huy động cả hệ thống chính trị phòng, chống dịch sốt xuất huyết

(Dân trí) - Nhằm chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát, kéo dài và diễn biến phức tạp như trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các xã, phường, thị trấn triển khai mạnh mẽ hoạt động diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các địa phương có ca mắc SXH, 2 tuần/lần tại các khu vực còn lại; lưu ý công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các công trường xây dựng, các khu nhà trọ, khu vực chợ...

Phun hóa chất phòng trừ muỗi gây bệnh SXH ở huyện miền núi Tây Giang
Phun hóa chất phòng trừ muỗi gây bệnh SXH ở huyện miền núi Tây Giang

Tăng cường truyền thông và huy động người dân, các đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện các hoạt động diệt bọ gậy. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Các Sở Thông tin và truyền thông, Y tế, Giáo dục, Tài chính… phối hợp tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết; chỉ đạo các cơ sở giáo dục huy động giáo viên, học sinh tích cực tham gia diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình và cộng đồng; phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện và tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời…

Cán bộ được huy động đi diệt bọ gậy phòng trừ muỗi gây bệnh SXH phát triển
Cán bộ được huy động đi diệt bọ gậy phòng trừ muỗi gây bệnh SXH phát triển

Ngày 18/11, trao đổi với PV Dân trí, Bác sĩ Nguyễn Văn Văn – Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam – cho hay, so với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc SXH tại tỉnh giảm 3,88% (2.969ca/3.089 ca) nhưng từ tháng 9, 10 và 11, tình hình dịch bệnh tại tỉnh diễn biến khá phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, nhiều, nhất là tại các huyện, thị Điện Bàn, Tây Giang, Phú Ninh, Thăng Bình và Hội An. Tuy nhiên, theo Bác sĩ Văn, đến nay chưa có ca tử vong do SXH.

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam, ca mắc SXH đầu tiên ở huyện miền núi Tây Giang xảy ra vào ngày 27/8/2018. Đây là lần đầu tiên xuất hiện ca bệnh SXH tại chỗ tại xã Atiêng của huyện. Toàn huyện có 84 ca bệnh, trong đó có 82 ca tại xã Atiêng và 2 ca tại xã Lăng. Số ca mắc giảm dần từ cuối tháng 10 và trong tuần qua không còn ca nào xuất hiện.

Tại thị xã Điện Bàn, số ca mắc chiếm 48,8% số ca toàn tỉnh (1.450ca/2.969ca). So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc tăng 27,98% (1.450ca/1.133ca). Gia tăng số ca mắc tập trung chủ yếu tại các xã, phường Điện Thọ, Điện Ngọc, Điện Hòa, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam... và rơi vào các tháng 8, 9, 10 và 11. Số ca mắc giảm dần trong 3 tuần qua và đến thời điểm này, số ca mắc chỉ bằng 1/3 so với cả tháng 10 (164 ca/480ca).

Bác sĩ Văn cho hay, trong thời gian đến, Sở tiếp tục chỉ đạo công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh nhất là bệnh SXH tại các địa bàn trọng điểm, các dịch bệnh có thể gia tăng/phát sinh sau bão lụt, chuẩn bị và đảm bảo các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, phối hợp với các địa phương trong việc triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH nói riêng và các loại dịch bệnh khác nói chung.

C.Bính