Hút thuốc làm giảm thời gian sống sau điều trị của bệnh nhân ung thư
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học Đan Mạch đã chỉ ra rằng, thời gian sống thêm sau điều trị của các bệnh nhân ung thư sẽ bị giảm đáng kể chỉ vì thói quen hút thuốc.
Thạc sĩ Daniel Kristensen đến từ Bệnh viện đại học Aalborg (Đan Mạch) và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu trên quy mô toàn quốc, để đánh giá tác động của việc hút thuốc lá đến các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu tuỷ bào cấp tính (AML), đã được điều trị bằng hóa trị liệu liều cao.
AML là một bệnh ung thư dòng tủy của các tế bào máu, đặc trưng bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của các tế bào máu trắng bất thường tích tụ trong tủy xương và ảnh hưởng đến việc tạo ra các tế bào máu bình thường. Khả năng mắc AML tăng lên theo tuổi tác và đây cũng là bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người trưởng thành.
Nghiên cứu được thực hiện trên số liệu của 1040 bệnh nhân được chẩn đoán mắc AML trong giai đoạn 1/1/2000 – 31/12/2012, trong số này có 58,9% bệnh nhân được xếp vào nhóm đã từng hút thuốc lá.
Qua phân tích dữ liệu, nhóm tác giả phát hiện ra rằng, các bệnh nhân hút thuốc có thời gian sống thêm sau điều trị bị giảm đáng kể so với những người chưa từng hút thuốc lá (17,2 tháng so với 24,5 tháng). Được biết, trước nghiên cứu này, nhiều bằng chứng khoa học cũng chỉ điểm hút thuốc lá là nhân tố làm giảm thời gian sống của các bệnh nhân ung thư.
“Các kết quả được chỉ ra trong nghiên cứu này thêm một lần nữa cho thấy tác hại của việc hút thuốc lá đối với bệnh nhân ung thư nói riêng và với sức khỏe của mọi người nói chung. Dẫu vậy, nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc thống kê số liệu, để giải thích rõ cơ chế làm giảm số năm sống thêm ở bệnh nhân AML của thuốc lá, chúng tôi cần thực hiện thêm các nghiên cứu chuyên sâu khác” – Đại diện nhóm tác giả cho biết.
Minh Nhật
Theo MedicalXpress