Hút thuốc lá gây ung thư phổi như thế nào?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ở Việt Nam, ung thư phổi là căn bệnh xếp thứ nhất trong số 10 loại ung thư thường gặp ở cả nam giới và nữ giới. Một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi là thói quen hút thuốc lá.

Khói thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.

Khói thuốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của phụ nữ mang thai và thai nhi, gây ung thư phổi, khí phế thũng, rụng tóc và đục nhân mắt. Thuốc lá gây ra 90% trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Không chỉ người hút thuốc bị nguy hiểm mà người hút thuốc lá thụ động cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không kém. Hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc, gây nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn, hút thuốc lá thụ động gây ung thư phổi, ung thư vú, các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, dễ sinh non. Ở trẻ em, phơi nhiễm khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen suyễn, kém phát triển chức năng phổi,...

Hút thuốc lá gây ung thư phổi như thế nào? - 1

Hút thuốc lá gây ung thư phổi (Ảnh: Đức Duy).

Hút thuốc cũng gây tăng tính đáp ứng đường thở. Do ảnh hưởng của các chất độc hại có trong khói thuốc lá, đường thở dễ bị co thắt, luồng khí hít vào và thở ra bị cản trở, tạo các tiếng ran rít, ran ngáy khi thở và có thể gây khó thở. Những người hút thuốc dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn, dễ mắc lao phổi, bệnh phổi mạn tính, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc. Do đó, đừng bao giờ thử hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Những người hít phải khói thuốc lá cũng tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư tương tự như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Do đó, mỗi người nên hạn chế đến các khu vực có người hút thuốc hoặc yêu cầu người hút thuốc ra xa nơi mình làm việc.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy những người sống ở khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Do vậy cần có những biện pháp để loại bỏ hoặc giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên bản thân. Có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau quả. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng chống trả tự nhiên của cơ thể đối với những yếu tố độc hại. Việc tập thể dục không chỉ an toàn và khả thi trong quá trình điều trị ung thư, mà còn có thể cải thiện mức độ hoạt động về thể chất và chất lượng cuộc sống.

Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư phổi của những người có thói quen hút thuốc lá cao gấp nhiều lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ mắc bệnh tùy thuộc vào loại tế bào ung thư.

Trên thực tế, bệnh ung thư phổi nếu được phát hiện sớm thì cơ hội kéo dài cuộc sống trên 5 năm hay thậm chí chữa khỏi được là rất cao. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam, ung thư phổi vẫn là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao vì thường được phát hiện muộn.

Ngoài ra, mỗi người cần để ý những dấu hiệu ung thư phổi. Các dấu hiệu của ung thư phổi rất khác nhau ở mỗi cá nhân. Một số bệnh nhân có dấu hiệu rõ ràng liên quan đến phổi, một số khác thì không có dấu hiệu cho đến khi ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Hầu hết những người bị ung thư phổi không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển. Các triệu chứng ung thư phổi có thể bao gồm ho trong một thời gian dài mà không giảm, đau ngực, khó thở, khò khè, ho ra máu, cảm thấy mệt mỏi mọi lúc, giảm cân không rõ nguyên nhân.

Một số thay đổi khác có thể xảy ra với ung thư phổi có thể bao gồm các đợt viêm phổi lặp đi lặp lại và hạch bạch huyết bị sưng... Do đó, khi có một vài triệu chứng này, bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra và tìm ra nguyên nhân cụ thể, nếu phát hiện sẽ được can thiệp sớm, giảm nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bản thân.