Hơn 400 người chết vì hội chứng hô hấp Trung Đông

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết tính đến ngày 20/2, đã có 1.042 ca bệnh và 419 người chết do Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) ở 23 nước.

Hội chứng hô hấp Trung Đông: Hơn 1000 trường hợp mắc bệnh, 400 người chết

Trong khi đó, số liệu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới về số ca bệnh được xác nhận hơi thấp hơn chút ít, với 1.026 trường hợp nhiễm và ít nhất 376 ca tử vong.

Báo cáo cho biết số ca bệnh MERS ở Ả rập Xê út đang gia tăng kể từ tháng 12 năm ngoái và xu hướng này song song với sự gia tăng thấy vào đầu năm 2014, và có lẽ là dấu hiệu khởi đầu một mùa dịch”.

Phần lớn những ca bệnh trong các tuần gần đây là ở Riyadh và 1/3 “có thể có nguồn gốc từ bệnh viện”. Ngoài ra, 12% số bệnh nhân gần đây có tiếp xúc với động vật hoặc các sản phầm động vật, “phù hợp với mô hình lây truyền bệnh hồi đầu năm 2014”, cho thấy tăng lây truyền từ nguồn lây ban đầu là động vật, nhiều khả năng là lạc đà hoặc các sản phẩm từ lạc đà, và được khuyếch đại bởi sự lây truyền trong bệnh viện.

MERS là gì?

Hội chứng hô hấp Trung Đông (Middle East Respiratory Syndrome - MERS) là bệnh do một loại vi rút corona có tên là Middle East Respiratory Syndrome Coronavirus (MERS-CoV) gây ra.

MERS ảnh hưởng đến hệ hô hấp (phổi và phế quản). Phần lớn bệnh nhân MERS bị bệnh hô hấp nặng với các triệu chứng sốt, ho và khó thở. Tỷ lệ tử vong là khoảng 30 – 40%.

Ca bệnh đầu tiên được báo cáo ở Ả rập Xê út tháng 9/2012. Qua nghiên cứu hồi cứu, sau đó cơ quan y tế đã xác đinh rằng những trường hợp MERS đầu tiên xảy ra ở Jordan vào tháng 4/ 2012. Cho đến nay, tất cả các ca bệnh MERS đều có liên quan với những nước ở vùng bán đảo Ả rập.

MERS-CoV lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc gần, như chăm sóc hoặc sống chung với người bệnh.

MERS có thể xảy ra ở bất cứ ai. Bệnh nhân MERS có độ tuổi từ dưới 1 đến 99 tuổi.

Triệu chứng và biến chứng

Phần lớn các bệnh nhân bị nhiễm vi rút MERS-CoV đều biểu hiện bệnh hô hấp cấp nặng với các triệu chứng sốt, ho và khó thở.

Một số cũng có các triệu chứng tiêu hóa bao gồm tiêu chảy, buồn nôn/nôn. Nhiều bệnh nhân bị các biến chứng nặng hơn, như viêm phổi và suy thận. Tỷ lệ tử vong là khoảng 30 - 40%, phần lớn những trường hợp tử vong đều có bệnh khác từ trước. Một số người nhiễm vi rút song chỉ bị các triệu chứng nhẹ (giống cảm lạnh) hoặc không có triệu chứng và sẽ tự hồi phục.

Theo những gì được biết cho tới nay, những người đã mắc bệnh khác từ trước có thể dễ bị nhiễm MERS-CoV hơn hoặc dễ bị bệnh nặng. Những bệnh đã mắc từ trước này bao gồm tiểu đường, ung thư, bệnh phổi, tim và thận mạn tính. Những người bị suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ bị MERS hoặc bị bệnh nặng cao hơn.

MERS có thời gian ủ bệnh là khoảng 5 - 6 ngày, nhưng có thể từ 2-14 ngày.

Lây truyền

MERS-CoV lây từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc gần, như chăm sóc hoặc sống cùng với người nhiễm. Người bệnh có thể lây MERS-CoV sang người khác ở các cơ sở y tế, như bệnh viện. Nghiên cứu chưa cho thấy MERS-CoV lan truyền liên tục trong cộng đồng.

Tất cả các ca bệnh được báo cáo cho tới nay đều ở các nước thuộc bán đảo Ả rập và vùng lân cận. Phần lớn người nhiễm đều sống ở bán đảo Ả rập hoặc mới từ bán đảo Ả rập trở về trước khi phát bệnh. Một số ít người bị nhiễm MERS-CoV sau khi tiếp xúc gần với người nhiễm vừa từ bán đảo Ả rập trở về.

Phòng bệnh và điều trị

Hiện chưa có vắc xin để phòng ngừa nhiễm MERS-CoV.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh bao gồm:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong 20 giây, và giúp trẻ nhỏ làm như vậy. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, hãy sử dụng các sản phẩm vệ sinh tay chứa cồn.

- Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác.

- Tránh sờ tay chưa rửa lên mắt, mũi và miệng.

- Tránh tiếp xúc cá nhân, như hôn, hoặc dùng chung bát đĩa cốc chén với người bệnh.

- Thường xuyên vệ sinh và diệt trùng những bề mặt thường xuyên chạm vào như đồ chơi và tay nắm cửa.

Điều trị

Hiện chưa có thuốc chống vi rút đặc hiệu để điều trị nhiễm MERS-CoV. Những người bị MERS có thể đi khám để được điều trị triệu chứng. Với những trường hợp nặng, biện pháp điều trị hiện nay bao gồm chăm sóc hỗ trợ các chức năng nội tạng quan trọng.

Một số nhóm đối tượng bị xem là có nguy cơ cao bị MERS nặng, nhưng đối tượng này bao gồm người bệnh tiểu đường, suy thận, bệnh phổi mạn tính và những người bị suy giảm miễn dịch. Với những đối tượng này, WHO khuyến nghị thêm một số biện pháp thận trọng:

- Tránh tiếp xúc với lạc đà

- Không uống sữa lạc đà sống hoặc nước tiểu lạc đà sống

- Không ăn thịt chưa nấu chín, nhất là thịt lạc đà.

Cẩm Tú

Theo CIDRAP/CDC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm