Hơn 1.000 gói cà phê giả đến tay người tiêu dùng như thế nào?

(Dân trí) - Chủ doanh nghiệp bị phát hiện là giả hơn 1.000 gói cà phê bằng đậu nành, bắp cho biết sẽ tiếp tục phản đối quyết định xử phạt của UBND tỉnh Phú Yên vì ông chỉ tận dụng bao bì cũ để đóng gói bột ngũ cốc và cà phê, sản phẩm này chỉ lưu hành nội bộ không bán ra thị trường 1 kilogam nào? Nên không thể kết luận ông làm giả cà phê được.

Cà phê giả ở Phú Yên được chuyển đến người tiêu dùng bằng cách nào

Trao đổi với PV báo Dân trí sáng ngày 23/4, ông Lê Văn Thước, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phú An, cho biết, 600 kg được cơ quan chức năng kiểm tra và bảo là hàng giả thì có 200kg là bột ngũ cốc và 400 kg là chứa sản phẩm cà phê. Số hàng này ông chỉ tận dụng bao bì cũ để đóng gói sau đó sử dụng nội bộ chứ không bán ra thị trường 1 kilogam nào.

Mẫu cà phê được niêm phong tại Sở Công Thương
Mẫu cà phê được niêm phong tại Sở Công Thương
Một số thông tin trên bao bì sản phẩm Chồn trắng Tuy Hòa
Một số thông tin trên bao bì sản phẩm Chồn trắng Tuy Hòa

“Trong quá trình sản xuất kinh doanh trước đây, công ty chúng tôi có tồn kho một số bao bì cà phê bột hết hạn lưu hành năm 2016. Để tránh lãng phí, công ty đã sử dụng toàn bộ số bao bì này để đóng gói sản phẩm bột ngũ cốc và cà phê nhằm sử dụng nội bộ”, ông Thước giải thích.

Khi được hỏi vì sao có đến 400kg là chứa cà phê nhưng cơ quan chức năng lại lấy 3 mẫu đều là bột ngũ cốc thì ông Phước lại không giải thích được.

Theo ông Thước thì sản phẩm bị cơ quan phát hiện là bột ngũ cốc, nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với loại bột này,cảm quan của PV nhận thấy màu sắc, hương vị đều rất giống cà phê thật
Theo ông Thước thì sản phẩm bị cơ quan phát hiện là bột ngũ cốc, nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với loại bột này,cảm quan của PV nhận thấy màu sắc, hương vị đều rất giống cà phê thật

Về vấn đề “lưu hành nội bộ”, ông Phước nói: Lưu hành nội bộ có nghĩa là ông có tổng cộng 3 công ty, 600kg ngũ cốc và cà phê này ông sẽ chuyển vào công ty ở Khánh Hòa để pha trộn với 1 lượng cà phê thích hợp (trong liều lượng cho phép) để đưa đến người tiêu dùng.

Hoặc các chủ quán cà phê có nhu cầu mua để pha trộn thêm với cà phê nguyên chất bán cho khách thì cũng được ông cung cấp.

Ông Thước giải thích về số hàng giả bị cơ quan chức năng phát hiện
Ông Thước giải thích về số hàng giả bị cơ quan chức năng phát hiện

Hiện công ty ông cung cấp ra thị trường 02 sản phẩm: Bột ngũ cốc có giá 40.000 đồng/kg và Cà phê Chồn trắng Tuy Hòa với giá 50.000/kg.

Liên quan đến vấn đề phản đối quyết định xử phạt, trước đó ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, cho biết: “Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở của công ty Hoàng An Phú đã cho đóng gói sản phẩm hoàn chỉnh, mang nhãn hiệu cà phê Chồn Trắng Tuy Hòa. Thế nên việc chủ cơ sở này cho rằng sản phẩm tận dụng bao bì là không hợp lý. Đoàn kiểm tra cũng đã cho ông Thước đọc kỹ biên bản trước khi ký.

Sở Công thương sẽ tiếp tục làm việc với Công ty TNHH Hoàng Phú An để xác định hành vi làm hàng giả của đơn vị này; kiên quyết xử lý nếu cơ sở này có hành vi sản xuất hàng giả để bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…”.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang, Khánh Hòa
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang, Khánh Hòa

Như trước đó báo Dân trí đã thông tin, trong quá trình kiểm tra, thanh tra Sở Công thương đã phát hiện Công ty TNHH Hoàng Phú An chế biến cà phê không đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm, các loại nguyên liệu sản xuất đều đặt nằm dưới nền đất bẩn,...

Trong khu vực xưởng này còn có 1.200 gói (0,5kg/gói) cà phê mang nhãn hiệu Chồn Trắng Tuy Hòa. Sở Công thương Phú Yên đã gửi mẫu cà phê trên vào Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực miền Trung (Viện Pasteur Nha Trang, Khánh Hòa) để kiểm nghiệm.

Kết quả, sản phẩm cà phê Chồn Trắng Tuy Hòa không có thành phần cà phê theo công bố chất lượng sản phẩm của Công ty Hoàng An Phú. Thay vào đó, thành phần chính của sản phẩm trên là đậu nành, bắp và hương liệu; lượng cà phê hạt không đáng kể (chỉ chiếm 0,05%).

Trung Thi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm