Hơn 100 loại thuốc đấu thầu có giá cao chót vót: Chỉ 1/3 số thuốc giảm giá
(Dân trí) - Trước việc cơ quan Bảo hiểm xã hội đề nghị thương lượng lại giá trúng thầu, Sở Y tế Bình Định và nhà thầu đã có những phản ứng về vấn đề này.
Liên quan đến thông tin hàng trăm loại thuốc cung cấp cho các cơ sở y tế công lập ở Bình Định có giá trúng thầu cao hơn các địa phương khác, ngày 12/7, Sở Y tế Bình Định đã có văn bản gửi cơ quan chức năng liên quan báo cáo về công tác đấu thầu mua thuốc tập trung cấp địa phương tại Bình Định.
Đấu thầu đúng với quy định của Bộ Y tế
Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đề nghị thương lượng lại giá trúng thầu là việc làm tốt nhằm giảm thiểu tối đa chi phí đối với thuốc dùng cho người dùng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đơn vị mua thuốc tập trung, Sở Y tế đã tổ chức đấu thầu không đúng quy định.
Thêm vào đó, thuốc cũng là một loại hàng hóa (dù là hàng hóa đặc biệt) được điều chỉnh bởi quy luật của thị trường nên giá trúng thầu ở các địa phương khác nhau chắc chắn sẽ chênh lệch tăng giảm khác nhau, vì tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của nhà thầu, quy trình mặt hàng mời thầu, thời điểm mời thầu…
Mặt khác, theo Thông tư 11, giá kế hoạch được công khai trong hồ sơ mời thầu, nên việc tham khảo giá kế hoạch trên trang thông tin điện tử BHXH Việt Nam/Cục Quản lý Dược sẽ khiến nhà thầu sẽ có hướng mở hơn khi bỏ giá dự thầu.
Điều này cũng có thể dẫn đến giá trúng thầu có thể chênh lệch giữa các tỉnh, thành là khác nhau tại các thời điểm khác nhau. Chỉ khi đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia (một đơn vị tổ chức đấu thầu) thì mới có giá thống nhất cả nước để giải quyết tình trạng chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương hiện nay đang khác nhau (giá trúng thầu không vượt giá kế hoạch và giá bán buôn kê khai/kê khai lại được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế).
Trong quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến đấu thầu thuốc nói riêng, đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị khác nói chung đều không có quy định sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu thì bên mời thầu phải so sánh giá với các địa phương khác (so sánh với bao nhiêu địa phương? giá chênh lệch tăng bao nhiêu phần trăm thì cần phải thương lượng,...) để thương lượng lại với nhà thầu.
Không riêng đối với tỉnh Bình Định, việc thương lượng lại giá trúng thầu theo đề nghị của cơ quan BHXH đã xảy ra ở các địa phương khác như: Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, An Giang, Quảng Ninh,... bắt đầu từ năm 2013 đến nay.
Vì vậy, trước những đề nghị của các địa phương về việc xử lý những vướng mắc trong đấu thầu thuốc và những đề nghị chưa phù hợp của cơ quan BHXH trong việc thanh toán tiền thuốc BHYT đã trúng thầu, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ban hành công văn lập kế hoạch đấu thầu và thanh toán chi phí thuốc trúng thầu theo giá kê khai, kê khai lại để hướng dẫn vấn đề này. Trong đó, nêu rõ: “Đối với trường hợp thuốc đã trúng thầu theo quy định, có giá trúng thầu không cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại đã được công bố thì thực hiện thanh toán theo đúng mức giá trúng thầu”.
Nhiều nhà thầu không đồng ý giảm giá thuốc
Theo ông Hùng, ngày 26/6, Sở Y tế Bình Định nhận được công văn của BHXH tỉnh về việc thương lượng với các nhà thầu có giá thuốc trúng thầu tại đơn vị mua thuốc tập trung tỉnh Bình Định cao hơn giá thuốc trúng thầu tại địa phương khác gồm 126 mặt hàng thuốc các loại.
Ngày 29/6, Sở Y tế Bình Định đã có công văn về việc xem xét lại giá trúng thầu gửi cho 18 nhà thầu trúng thầu có các mặt hàng theo đề nghị của BHXH tỉnh và đơn vị mua thuốc tập trung tỉnh Bình Định.
Đến hết ngày 5/7, trong 18 nhà thầu trúng thầu Sở Y tế đã gửi văn bản, có 4 nhà thầu không gửi văn bản phúc đáp (xem như không đồng ý giảm giá với số lượng là 11 mặt hàng) và 14 nhà thầu có văn bản phúc đáp. Trong 14 nhà thầu này, có 7 nhà thầu không đồng ý giảm giá với số lượng là 20 mặt hàng và 7 nhà thầu đồng ý giảm giá với số lượng là 40/95 mặt hàng.
Đối với 40 mặt hàng nhà thầu đồng ý giảm giá của 7 nhà thầu, Sở Y tế đã có văn bản thông báo gửi cho các bên liên quan để triển khai thực hiện. Đối với 86 mặt hàng không đồng ý giảm giá, Sở Y tế đề nghị BHXH tỉnh xem xét, thanh toán theo mức giá trúng thầu.
Sở Y tế Bình Định cũng kiến nghị Bộ Y tế xem xét, làm việc với BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn cụ thể đối với việc xem xét lại giá thuốc trúng thầu sau khi đã có kết quả lựa chọn nhà thầu. Vì hiện nay, việc cơ quan BHXH đơn phương yêu cầu thương lượng với nhà thầu trúng thầu để làm giảm giá thuốc và nội dung đề nghị lại không nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thuốc, gây ảnh hưởng đến quá trình cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu điều trị cho người bệnh tham gia BHYT. Đồng thời, làm cho dư luận hoang mang và hiểu sai về công tác đấu thầu thuốc của ngành Y tế Bình Định nói riêng và ngành y tế cả nước nói chung.
Doãn Công