Thanh Hóa:

Hôi thối xác lợn trôi sông

(Dân trí) - Dư luận vô cùng bức xúc trước sự việc những ngày qua, hàng loạt xác lợn chết không rõ nguồn gốc xuất hiện, trôi nổi lềnh bềnh trên cả một khúc sông Huyện, nơi giáp ranh giữa địa bàn 2 huyện Quảng Xương và thị xã Sầm Sơn.

Lợn chết xuất hiện hàng loạt trên sông Huyện nơi giáp ranh giữa Quảng Xương và Sầm Sơn.
Lợn chết xuất hiện hàng loạt trên sông Huyện nơi giáp ranh giữa Quảng Xương và Sầm Sơn.

Những ngày qua, hàng loạt xác lợn chết không rõ nguồn gốc xuất hiện, trôi nổi lềnh bềnh trên cả một khúc sông Huyện, nơi giáp ranh giữa địa bàn 2 huyện Quảng Xương và thị xã Sầm Sơn.
 
Những xác lợn nói trên đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và sinh hoạt của người dân dọc hai bên bờ con sông này và khiến dư luận vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc lại không hề hay biết?
 
Trong khi đó tình hình dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn đang diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Hàng nghìn con lợn nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy, số địa phương có lợn nhiễm bệnh đang tăng lên.

Theo báo cáo mới nhất từ cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, đến 16h ngày 3/4, xã Xuân Du, huyện Như Thanh là xã thứ 18 của tỉnh Thanh Hóa xuất hiện dịch lợn tai xanh. Dịch bệnh đã khiến 32 con trong đàn lợn ở địa phương này bị nhiễm bệnh.

Như vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 118 thôn, ở 18 xã thuộc 6 huyện như: Triệu Sơn, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Nông Cống, Yên Định và Như Thanh có dịch tai xanh. Theo đó, đã có 3.823 con lợn bị nhiễm bệnh, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã tiêu hủy 2.158 con lợn bị nhiễm bệnh.

Trong đó, tại huyện Triệu Sơn đến nay đã có 44 thôn của 6 xã xuất hiện dịch tai xanh với hơn 1.500 con lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy hơn 900 con. Triệu Sơn là địa phương có số lượng lợn bị nhiễm bệnh nhiều nhất.

Tiêu hủy lợn tai xanh.
Tiêu hủy lợn tai xanh.

Dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên theo nhận đinh của ngành chức năng thì việc tiêm phòng đối với đàn lợn ở tỉnh Thanh Hóa trong vài năm trở lại đây đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, trên đàn lợn, kết quả tiêm phòng đối với các loại bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng và đóng dấu lợn chỉ đạt 60 - 70%.

Riêng việc tiêm phòng tai xanh ở lợn tại các địa phương gần như chưa có. Có chăng cũng chỉ ở các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn thì có quan tâm đến việc tiêm phòng cho đàn lợn.

Việc tiêm phòng chỉ được ngành chức năng quan tâm khi dịch bệnh đã xảy ra. Điều này cũng là một nguyên nhân khiến cho việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Điều đó một phần vì sự vào cuộc thiếu quyết liệt của ngành chức năng, một mặt là sự thiếu ý thức của người chăn nuôi trong vấn đề tiêm phòng dịch cho đàn lợn. Hơn nữa, phần lớn các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, không tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi nên dẫn đến đàn lợn dễ nhiễm bệnh khi có dịch.

Với tư tưởng “mất bò mới lo làm chuồng” trong vấn đề phòng và chống dịch bệnh đã khiến cho tình hình cũng như diễn biến của dịch bệnh phức tạp trong thời gian qua.

Duy Tuyên