Hội thảo về H5N1 trực tuyến

(Dân trí) - Chiều nay (25/5), Tại BV Nhi T.Ư (Hà Nội), các chuyên gia BV Nhi đã có cuộc trao đổi kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị cúm A/H5N1 trực tuyến với các chuyên gia Trung tâm Y tế Quốc tế Nhật Bản.

Tại hội thảo, TS Lương Thị San, trưởng khoa Điêu trị tích cực BV Nhi T.Ư đã trình bày về 11 ca bệnh cúm A/H5N1 đã điều trị tại Viện.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, GĐ bệnh viện, Việt Nam đã khống chế được cúm A, trong khi đó, cúm A hiện vẫn là mối lo sợ của thế giới khi dịch cúm ở gia cầm vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Vì vậy, các chuyên gia Nhật Bản rất muốn tìm hiểu kinh nghiệm điều trị của Việt Nam, nơi có rất nhiều bệnh nhân cúm A được cứu sống.

 

PGS Liêm cho biết, ngoài mục tiêu trao đổi kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị cúm A/H5N, hội thảo lần này còn nhằm thảo luận  về phương hướng hợp tác nghiên cứu và đề cương nghiên cứu "Sử dụng Immunoglobulin tĩnh mạch liều cao trong viêm phổi do virus cúm gia cầm và các virus cúm khác”.

 

Theo Tiên sĩ Koichiro Kudo - GD TT phòng và kiểm soát bệnh, Immunoglobulin đã được sử dụng rất hiệu quả tại Nhật Bản trong điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng và Nhật Bản rất muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc sử dụng Immunoglobulin tĩnh mạch liều cao để điều trị viêm phổi do virus cúm gia cầm và các virus cúm khác.

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, hiện nay, việc sử dụng Immunoglobulin tĩnh mạch liều cao rất được thế giới quan tâm vì thuốc kháng virus cúm A/H5N1 là Tamiflu không có tác dụng rõ rệt. Tamiflu không cho hiệu quả cao trong điều trị cúm A có thể do nguyên nhân người bệnh được uống thuốc khi đã ở giai đoạn muộn (phát hiện bệnh muộn) hoặc là do sử dụng liều thuốc thấp nên chưa thực sự có hiệu quả. Vì thế, WHO khuyến cáo nên sử dụng Tamiflu tăng liền lên gấp 2 lần nhưng vẫn chưa có nhiều những dấu hiệu khả quan.

 

Ông Liêm cho biết, hội thảo trực tuyến giữa BV Nhi T.Ư với các đầu cầu Quốc tế với sẽ được tiến hành thường quy về nhiều vấn đề khác nhau.

 

Hồng Hải