Hội nhập “đế chế” dược phẩm Taisho, Dược Hậu Giang mang lại giá trị nào cho xã hội?

(Dân trí) - Gắn trên lưng người khổng lồ Nhật Bản, Dược Hậu Giang không chỉ sản xuất ra các sản phẩm chất lượng quốc tế với giá Việt Nam cho người dùng, mà còn nâng cao năng lực chuyên môn và đảm bảo an sinh cho người lao động.

Chiều ngày 28/2/2019, Taisho Holdings thông báo dự chi 3.400 tỷ đồng nâng tỷ lệ sở hữu Dược Hậu Giang. Động thái tích cực này không chỉ nằm trong lộ trình hợp tác bền vững giữa 2 doanh nghiệp, mà còn là tin vui lớn đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Lộ trình tăng vốn 3 năm của Taisho vào Dược Hậu Giang

Dược Hậu Giang là công ty dược nội địa lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường. Ước tính vốn hoá hiện tại của Dược Hậu Giang xấp xỉ 15.000 tỷ đồng, doanh thu năm 2018 gần 3.900 tỷ đồng, lớn hơn tổng doanh thu của cả hai công ty đứng sau gộp lại.

Hội nhập “đế chế” dược phẩm Taisho, Dược Hậu Giang mang lại giá trị nào cho xã hội? - 1
Cuộc gặp chiến lược giữa lãnh đạo hai doanh nghiệp ngày 6/7/2016.

Với nội lực lớn mạnh và bề dày kinh nghiệm 45 năm, Dược Hậu Giang vốn đã được Taisho chú ý từ lâu. Lộ trình hội nhập được hai bên nhen nhóm “thổi lửa” từ năm 2015. Trải qua nhiều giai đoạn tìm hiểu, ngày 6/7/2016, chuyến thăm đầu tiên của Ban Lãnh đạo Taisho đã đánh dấu chính thức mối quan hệ hợp tác mang tính chiến lược. Đích thân Tổng Giám đốc Shigeru Uehara cùng đoàn thành viên hội đồng quản trị Taisho đã đến găp gỡ, làm việc suốt nhiều ngày với Ban Lãnh đạo Dược Hậu Giang.

Thời điểm đó, đế chế dược phẩm Nhật đã bạo chi 100 triệu USD để mua 24,44% cổ phần Dược Hậu Giang với mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 6/2018, sau 2 năm hợp tác mỹ mãn, Taisho quyết định nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,94%. Cả hai bên nhìn thấy tiềm năng và cơ hội của nhau, nên quyết định song hành đường dài, phía Taisho cử thêm nhân lực vào ban quản trị, trong khi Dược Hậu Giang ưu tiên tập trung vào sản xuất và phân phối các sản phẩm mũi nhọn của Taisho.

Không chỉ hợp tác ăn ý về nghiên cứu và sản xuất, Taisho còn chung tầm nhìn về chiến lược chăm sóc sức khỏe, định hướng nhân văn và hoàn toàn đồng tình với các chính sách quản lý nhân lực lẫn chăm lo đời sống cán bộ nhân viên công ty. Nhờ đồng điệu văn hóa doanh nghiệp, tôn trọng bản sắc, Dược Hậu Giang quyết định mở đường “về chung một nhà” với Taisho bằng cách nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất nới room vốn ngoại.

Ngay khi trần sở hữu nước ngoài của Dược Hậu Giang được phê duyệt nới lên 100% vào ngày 4/7/2018, Taisho liên tiếp ra thông báo mua cổ phiếu DHG. Tính đến thời điểm mới đây nhất, tập đoàn này đã sở hữu 34,99% vốn điều lệ Dược Hậu Giang. Nếu không có gì thay đổi, thương vụ chào mua thêm 21,7% cổ phần hoàn tất trong tháng 4/2019 sẽ biến Taisho thành cổ đông lớn nhất của Dược Hậu Giang.

Hội nhập Taisho, Dược Hậu Giang mang lại nhiều giá trị thiết thực cho xã hội

Taisho Pharmaceutial là tập đoàn dược phẩm có thị phần thuốc OTC lớn nhất Nhật Bản. Với lịch sử phát triển hơn 100 năm, Taisho sở hữu bề dày kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu sản phẩm, công nghệ sản xuất tiên tiến cũng như hệ thống phân phối trải khắp toàn cầu.

Gần 3 năm hợp tác với Taisho, Dược Hậu Giang ghi nhận nhiều thành tựu cải tiến, đổi mới toàn diện trên mọi góc độ. Theo đại diện Dược Hậu Giang, việc hội nhập với Taisho không chỉ thúc đẩy chiến lược vươn tầm quốc tế, nâng cao giá trị thương hiệu và chất lượng sản phẩm của Dược Hậu Giang mà còn tạo điều kiện cho sức trẻ doanh nghiệp phát huy tối đa.

Hội nhập “đế chế” dược phẩm Taisho, Dược Hậu Giang mang lại giá trị nào cho xã hội? - 2
Phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế của Dược Hậu Giang.

Nhờ trợ lực của Taisho, Dược Hậu Giang bắt đầu nâng cấp dây chuyền sản xuất viên sủi bọt từ năm 2016 nhằm xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực bao gồm Malaysia, Indonesia và Philippines. Đến cuối năm 2018, nhà máy DHG được công nhận đạt tiêu chuẩn PIC/s-GMP, tạo bệ phóng mạnh mẽ khi xuất khẩu vào thị trường Đông Nam Á.

Ngoài PIC/s-GMP, Taisho cũng song hành cùng Dược Hậu Giang nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP Nhật Bản (PMDA) và EU-GMP (Châu Âu). Trái ngọt gặt hái được gần đây nhất là vào tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế Nhật Bản cấp giấy chứng nhận GMP Nhật Bản (PMDA) cho dây chuyền viên nén Non Betalactam.

Những chứng nhận này giống như tấm vé thông hành, sẽ mở ra “cánh cửa thần kỳ” để sản phẩm Dược Hậu Giang nhanh chóng vươn ra thế giới, có thể xuất khẩu sang Nhật Bản và mọi nước Đông Nam Á, đồng thời là cơ hội được phục vụ thuốc nhiều hơn trong các bệnh viện ". Hiện, Dược Hậu Giang xuất khẩu chủ yếu sản phẩm đến 14 quốc gia. Trên vai người khổng lồ, tận dụng thị trường sẵn có của Taisho, tổng doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp chắc chắn sẽ gia tăng vượt bậc trong những năm sắp tới.
Để hội nhập nhanh chóng, các kỹ sư, dược sĩ, nhà nghiên cứu, chuyên viên Dược Hậu Giang cũng được cử sang Nhật Bản đào tạo, trao đổi chuyên môn. Cùng với việc mở rộng quy mô hoạt động, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phát huy tốt nhất nội lực và bảo đảm chế độ đãi ngộ tốt nhất cho các cán bộ, công nhân viên hiện thời.
 

Chiến lược hội nhập để phát triển không chỉ giúp Dược Hậu Giang và Taisho cùng nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mà người dùng trong nước cũng được hưởng nhiều lợi ích gia tăng. Lần đầu tiên, người bệnh từ thành thị đến nông thôn có thể dùng thuốc nội, thuốc hạ sốt Hapacol, Kháng sinh Klamentin, NattoEnzym… đạt tiêu chuẩn sản xuất cao nhất thế giới với mức giá rất phải chăng, cũng như tìm mua dễ dàng thông qua hệ thống phân phối hơn 28.000 nhà thuốc đại lý khắp 63 tỉnh thành.

Theo Business Monitor International, thị trường dược phẩm Việt Nam dự báo sẽ vượt 7 tỷ USD vào năm 2020. Với quy mô dân số trên 93 triệu người, Việt Nam đang thúc đẩy nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất thuốc trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu (chiếm hơn 50%) và hạ giá thành sản phẩm. Đề xuất nới room 100% vốn ngoại cùng bước đi hội nhập của Dược Hậu Giang cũng không nằm ngoài chiến lược chung của ngành dược nước nhà.

Văn Tuấn