Hôi miệng - Triệu chứng của nhiều bệnh lý

Mỗi ngày, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM khám hàng ngàn bệnh nhân, trong đó 50% - 60% người đến khám vì hôi miệng. Theo các bác sĩ chuyên khoa, hiện nay hôi miệng là nguyên nhân làm không ít người mặc cảm, mất tự tin trong giao tiếp.

Ngồi bên cạnh tôi tại phòng khám Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt TPHCM là chị P.T.M, 27 tuổi, nhân viên một công ty TNHH, ngụ tại Q.5. Thấy chị không ngừng dùng tay che miệng, tôi hỏi thì được chị cho biết gần 2 tuần nay, hôm nào đánh răng cũng bị chảy máu răng, miệng thì có mùi hơi lạ nên không dám tiếp xúc với ai. Đi khám mới biết bị viêm nha chu.

 

Theo chị M., bác sĩ nói chị bị viêm xoang gần 5 năm nay nhưng không trị dứt điểm, đến nay lại thêm bệnh viêm nha chu nên miệng mới có mùi hôi nhiều như vậy.

 

Nguyên nhân

 

Bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TPHCM, cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra hôi miệng. Có khi do răng miệng nhưng có khi là triệu chứng của một bệnh lý khác.

 

 Bệnh ở vùng họng- miệng thì có viêm nha chu, viêm amidan; ở mũi, xoang có viêm xoang; ở thực quản do các bệnh nội tiết như tiểu đường; ở hệ hô hấp có lao, viêm phổi; ở đường tiêu hóa do chứng trào ngược dạ dày.

 

Riêng đối với người già yếu bị hôn mê, suy gan, suy thận hoặc tiểu đường thì ở miệng cũng có những mùi hôi đặc trưng như suy gan có mùi tanh như cá, suy thận có mùi khai như nước tiểu...

 

Ngoài ra, việc ăn nhiều gia vị có mùi gắt cũng bị hôi miệng nhưng tỉ lệ này không đáng kể.

 

Bác sĩ Huỳnh Đại Hải, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt TPHCM, cho biết hôi miệng thường do các chất bã rơi vào lỗ răng sâu hay các miếng trám bị hở, răng lệch gây nhồi nhét thức ăn.

 

Các bệnh do vôi răng, viêm nướu răng, bệnh nha chu, bệnh gây khô miệng hay lở loét niêm mạc miệng cũng là môi trường thuận lợi gây hôi miệng.

 

Nước súc miệng, kem đánh răng: Chỉ có tác dụng hỗ trợ

 

Đó là nhận xét của bác sĩ Phúc khi nói về những sản phẩm có tác dụng trị hôi miệng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Ông phân tích: Muốn trị dứt bệnh phải tìm ra nguyên nhân gây nên bệnh, sau đó mới chọn phương pháp điều trị. Hôi miệng cũng vậy. Tốt nhất, người bệnh nên đến các BV chuyên khoa hoặc nha sĩ để tìm nguyên nhân và hướng điều trị thích hợp.

 

Hiện nay, tất cả các loại nước súc miệng, kẹo, kem làm trắng răng... chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn, làm giảm mùi hôi trong miệng, nghĩa là chỉ trị được phần ngọn mà không trị được phần gốc.

 

Theo bác sĩ Phúc, nếu bị hôi miệng thì nên đi khám bệnh ngay vì đây cũng là triệu chứng của nhiều bệnh cần điều trị sớm. Nếu không điều trị kịp thời, những bệnh này sẽ ngày một nặng, điều trị tốn kém và kéo dài hơn.

 

Theo Nguyên Hạnh

Người lao động