Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Vết tiêm đau không nhấc nổi tay, có nên chườm?
(Dân trí) - Sau tiêm vắc xin Covid-19 nhiều người sưng đau vị trí tiêm, thậm chí sưng cứng, đỏ, không nhấc nổi tay. Các biện pháp giảm đau như chườm nóng, đắp khoai tây, lòng trắng trứng gà... có nên không?
Trả lời:
Nhiều người sau khi tiêm vắc xin Covid-19 bị tấy đỏ vết tiêm, đau lan ra tay, nhấc tay cũng khó. Có người chườm đá, có người chườm ấm, hay có người đắp lá, khoai tây hoặc lòng trắng trứng gà… vào vị trí vết tiêm với mong muốn cục cứng sưng đau nhanh tan ra.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không chườm, bôi bất cứ chất gì vào vết tiêm. Có những trường hợp, từ vết tiêm hở có thể sẽ bị vi khuẩn tấn công, gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết vô cùng nguy hiểm.
Trong hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà sau tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cũng khuyến cáo: "Không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau".
Khi tiêm vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch gây nên các phản ứng tại chỗ: sốt, sưng, nóng, đỏ, đau sẽ tự khỏi sau một vài ngày.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19, cần có người hỗ trợ bên cạnh 24/24h, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin, và tiếp tục theo dõi sức khỏe đến 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là 7 ngày đầu .
Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.
Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.
Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: tiếp tục theo dõi. Nếu thấy sưng to nhanh đi khám ngay.
Thường xuyên đo thân nhiệt. Trong trường hợp sốt dưới 38,5 độ C cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm, lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; Không để nhiễm lạnh; 30 phút kiểm tra nhiệt độ một lần.
Còn nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên, sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế, đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Khi đi tiêm ngừa vắc xin, mọi người cần khai báo rõ tình trạng sức khỏe bản thân, yếu tố nguy cơ (bệnh nền, đang dùng các loại thuốc...) để được chỉ định tiêm đúng, phòng các rủi ro có thể xảy ra sau tiêm.