Hội chứng rối loạn giả bệnh bùng phát trên internet
Khi ngồi trước màn hình máy tính, bạn có thể là bất cứ ai, với bất cứ câu chuyện bi kịch nào trong cuộc sống, và bất ngờ tìm được những người bạn mới cũng như chiếm được cảm tình của mọi người trên khắp thế giới.
Đó là lý do mà các chuyên gia nhận định tại sao cùng với sự phổ biến của Internet, những sự việc như là giả bệnh hay dựng lên những câu chuyện chịu đựng bất hạnh trong cuộc sống bắt đầu bùng phát nhanh chóng. Đó là hội chứng rối loạn giả bệnh, hay còn gọi là Hội chứng Munchausen.
Belle GibsonMột nữ blogger người Australia, tên là Belle Gibson 26 tuổi tập hợp được một lượng người hâm mộ khổng lồ sau khi bảo với mọi người rằng cô đã tự chữa khỏi bệnh ung thư não giai đoạn cuối nhưng cuối cùng phải tự thú rằng mình thật ra chỉ giả bệnh.
Năm 2013, Gibson cho xuất bản một cuốn sách dạy nấu ăn chữa bệnh do Nhà xuất bản Penguin Books ấn hành và một ứng dụng di động cho iWatch - cả hai được gọi là "The Whole Pantry". Ứng dụng được phổ biến rộng rãi trên Internet sau khi Belle Gibson tuyên bố cô khỏi bệnh nhờ chế độ ăn uống.
Nhưng trước sự nghi ngờ từ những người bạn thân, Gibson buộc phải thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn của tờ The Australian vào năm 2014 rằng: Bệnh ung thư lan đến gan, lá lách, máu và tử cung là do "chẩn đoán sai". Gibson gây nghi ngờ cho mọi người khi cô không thực hiện lời hứa trước đó là tặng 300.000USD, trích từ tiền bán ứng dụng cho các tổ chức từ thiện.
Belle Gibson, mẹ của cậu con trai 4 tuổi, cho biết cô được chẩn đoán mang khối u trong não vào năm 2009 và sau đó chiến thắng được căn bệnh nhờ chế độ ăn gồm trái cây và rau xanh. Sự giả dối trên được phơi bày gây giận dữ cho những người đã bỏ ra 3,79USD để tải xuống ứng dụng từ The Whole Pantry và họ đòi trả số tiền này lại.
Tháng 3 vừa qua, Nhà xuất bản Penguin Books đã cho thu hồi cuốn sách của Belle Gibson và Apple Store cũng tiến hành gỡ bỏ ứng dụng của cô gái giả bệnh tinh vi này. Trường hợp của Belle Gibson có thể giải thích đó là hội chứng rối loạn giả bệnh Munchausen - được đặt theo tên Nam tước người Đức ở thế kỷ XVIII Hieronymus Carl Friedrich von Munchausen (1720 - 1797) - người nổi tiếng với những câu chuyện phiêu lưu không hề có thật mà chỉ toàn là hư cấu. Thậm chí, những câu chuyện kỳ thú của Nam tước Munchausen còn được in thành sách và phát hành tại nhiều nước trên thế giới. Hội chứng được bác sĩ người Anh Richard Asher đặt tên vào năm 1951 sau khi khám phá ra nó.
Trường hợp thứ 2 là Adam Hoover, nhà hoạt động đồng tính nam 20 tuổi và là đồng Chủ tịch Tổ chức Marriage Equality Ohio (chiến dịch giáo dục công cộng về bình đẳng đồng giới tính trong hôn nhân) sống ở Cincinnati bang Ohio, đã gây hoảng loạn cho cả nước Mỹ khi tung tin lên trang mạng xã hội rằng mình bị bắt cóc vào đêm 2/2/2015. Hoover loan tin trên Twitter và Facebook rằng anh bị một nhóm người lạ mặt bắt nhốt vào thùng xe của anh.
Ngoài ra, chúng còn đe dọa sát hại gia đình anh. Thông tin trên nhanh chóng nhận được sự chia sẻ rất nhiều người trên khắp nước Mỹ, trong đó đặc biệt nhất là nhà hoạt động LGBT (những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới tính) Tyler Oakley - người cùng với 3,8 triệu fan trên Twitter chia sẻ với Hoover. Không lâu sau đó cảnh sát định vị được chiếc xe của Hoover và phát hiện đó chỉ là thông tin giả. Kết quả, Hoover bị buộc tội có hành vi cư xử xấu cấp độ 1.
Nội dung thông tin của Hoover là: "Họ bảo sẽ giết gia đình tôi, làm ơn gọi 911. Tôi không muốn họ nghe thấy tôi. Làm ơn gọi điện thoại. Tôi không muốn chết". Điều buồn cười là Hoover cung cấp cả biển số xe của mình, số điện thoại của người mẹ và con đường mà cảnh sát có thể tìm thấy chiếc xe!
Adam Hoover trên Facebook. |
Trường hợp thứ 3 là blogger 27 tuổi Lacey Spears bị kết án 20 năm tù vì tội giết người cấp độ 2. Câu chuyện là cô này dùng ống thông đưa lượng muối lớn vào cơ thể đứa con trai Garnett-Paul Spears suốt nhiều năm và cuối cùng dẫn đến cái chết của cậu bé vào đầu năm 2014 lúc chỉ mới 5 tuổi. |
Trên mạng xã hội, Spears đóng vai một bà mẹ mẫu mực hết lòng yêu thương đứa con trai của mình. Tuy nhiên, các công tố viên đã phơi bày một bức tranh hoàn toàn khác. Nữ trợ lý công tố viên Patricia Murphy tuyên bố với thẩm phán rằng Spears đầu độc con trai mình để thu hút sự quan tâm thương cảm của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là những người trong ngành y tế. Cảnh sát tìm thấy 2 túi đựng thức ăn nhiễm nặng muối khi lục soát căn hộ của cô ta. Các công tố viên nhấn mạnh Spears là "kẻ giết con đẻ có tính toán" và cho biết người mẹ độc ác này tìm kiếm trên Internet thông tin về tác động của sodium đến cơ thể trẻ em. Spears sống ở New York và chuyển đến Kentucky sau khi đứa con chết thì bị cảnh sát bắt giữ. Trường hợp của Spears cũng được cho là mắc phải hội chứng Munchausen.
Rối loạn giả bệnh không là hiện tượng hoàn toàn mới mà hội chứng này được khám phá ở Anh từ thập niên 50 thế kỷ XX. Theo Giáo sư Simon Wessely, ở Đại học King's College London, trong thế giới chia sẻ đồng cảm toàn cầu nhờ Internet như hiện nay mọi người đều có cơ hội trở nên nổi tiếng nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng cá nhân và đó là lý do khiến cho hội chứng Munchausen có được môi trường thuận lợi để bùng phát sau thời gian dài bị gần như quên lãng. Và người ta lợi dụng sự thương cảm trên mạng xã hội để tìm kiếm lợi lộc cho cá nhân.
Theo Thiên Minh
Báo An ninh thế giới