1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Học Thái Lan, Việt Nam mong muốn đề xuất bán rượu bia theo giờ

(Dân trí) - Trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, Bộ Y tế đề xuất 3 phương án bán bia rượu theo giờ. TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết Bộ Y tế sẽ chọn theo phương án được số đông ủng hộ. Thái Lan là quốc gia rất thành công trong việc bán rượu theo giờ.

3 phương án bán rượu bia theo giờ

Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia diễn ra ngày 13/4 do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo tiếp tục được đưa ra để lấy ý kiến thảo luận.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: H.Hải
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: H.Hải

Trong đó, với quy định thời gian không được bán rượu, bia, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án gồm: Phương án 1: Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 22 giờ hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 đến 22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Phương án 3: Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ trong trường hợp cần thiết căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại rượu bia.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, đến nay, Bộ Y tế chưa lựa chọn phương án nào, mà sẽ chọn lựa phương án sau khi được đem ra lấy ý kiến, theo lựa chọn của số đông.

Vụ trưởng Vụ pháp chế cũng cho biết thêm, quy định bán bia rượu theo giờ không xa lạ với các nước trên thế giới. Gần với Việt Nam là Thái Lan thực hiện rất tốt quy định này. Theo đó Thái Lan cấm bán rượu, bia ngoài giờ ăn. Khi vào nhà hàng ngoài giờ ăn, đề nghị mua rượu, bia sẽ bị từ chối.

Ông Quang cũng hi vọng dự thảo sớm được thông qua để trình Chính phủ, đi vào cuộc sống nhằm giảm bớt nguy cơ tác hại của bia rượu.

“Chúng ta có thể nhìn thấy hiệu quả của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá là rất lớn. Vỏ bao thuốc lá trước đây chỉ vài ba chữ, nay nửa bao là hình ảnh về tác hại của thuốc lá, có tác dụng truyền thông rất lớn. Các điểm công cộng tỉ lệ hút thuốc lá giảm… Chúng tôi cũng đang xúc tiến để Luật phòng chống tác hại rượu bia được thông qua, hướng tới giảm tác hại của rượu bia”, ông Quang nói.

Cấm người lái xe uống bia rượu

Ông Quang cho biết, tại Việt Nam, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy rượu bia là yếu tố gây ra 2,9% số ca tử vong và 2,2% gánh nặng bệnh tật. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần và hành vi, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư và một số bệnh truyền nhiễm.

“Rượu bia cũng là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở nam giới từ 14 – 49 tuổi. Vì thế, trong dự thảo luật, để kiểm soát bia rượu đảm bảo an toàn giao thông, 2 phương án được đưa ra. Phương án 1, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không được có nồng độ cồn trong máu vượt quá 30mg/100ml máu hoặc 0,15mg/lít khí thở khi tham gia giao thông. Phương án 2, người điều khiển mô tô, xe gắn máy không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông”, ông Quang nói

Ngoài ra, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cũng đưa ra quy định nghiêm cấm khuyến mại rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia là giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí; Chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình…

Tuy nhiên, cái khó khăn nhất là quản lý rượu thủ công. Bởi trong 270 lít rượu người Việt tiêu thị mỗi năm thì có đến 200 lít rượu thủ công. Trong khi đó thời gian qua xảy ra không ít trường hợp ngộ độc đến nhập viện, tử vong vì rượu giả không đảm bảo an toàn. Vì thế, Bộ Y tế đang đề xuất sử dụng chất chỉ thị màu trong cồn công nghiệp (methanol) để phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp.

Người sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh cũng cần phải kê khai với chính quyền địa phương nơi sản xuất về nguyên liệu, sản lượng, phương pháp sản xuất và cam kết không bán rượu với mục đích kinh doanh.

Ông Quang cho biết, dự thảo Phòng chống tác hại rượu, bia đã được lấy ý kiến đến vài chục lần, hi vọng sẽ trình được lên Quốc hội vào kỳ họp thứ năm diễn ra vào tháng 10/2018.

Một người Việt uống 42 lít bia/năm

Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách y tế, tại Việt Nam, tỉ lệ tiêu thụ rượu bia ngày càng tăng, người uống rượu bia ngày càng trẻ hóa. Giai đoạn 2003-2005, mức độ tiêu thụ cồn trung bình 3,8 lít/năm nhưng đến 2005- 2008 đã tăng gấp đôi là 6,6 lít. Trong khi đó, thế giới tăng rất chậm, chỉ từ 6,1 lên 6,2% giai đoạn 15 năm.

Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm.

Đáng nói, Việt Nam đang phải đối mặt với xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia. Tỉ lệ uống rượu bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm (từ 51% năm 2003 tăng lên 60% năm 2008).

Đặc biệt, tỉ lệ uống rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép rất cao, tới 47,5%, trong độ tuổi từ 18 – 21 là 67%.

Dự tính của Việt Nam, vào năm 2025, Việt Nam tăng mức độ tiêu thụ số cồn khoảng 7 lít cồn/năm, nhưng con số thực tế theo dự kiến của Tổ chức Thương mại thế giới có thể còn cao hơn nữa, ở mức 8,6 lít cồn/năm. Đây là con số quá cao so với dự kiến, báo động về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm