Học sinh tự tử vì áp lực thi cử: Trách ai?
Nhà trường ra sức nhồi nhét kiến thức, gia đình lại quá căng thẳng với những mong đợi đòi hỏi cấp nọ bằng kia, còn xã hội lại quá thiếu những dịch vụ tư vấn kỹ năng sống.
Trước thông tin nữ sinh tại Quảng Bình nhảy cầu tự tử hôm 11/3 chỉ vì bị bố trách mắng chuyện học hành, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đặt câu hỏi: Tại sao trước đây cuộc sống còn khó khăn nhưng chuyện thanh thiếu niên tự tử rất ít thì bây giờ lại có nhiều cái chết bởi áp lực học hành như vậy?
Trong những năm gần đây, cứ tới mùa thi lại thấy xuất hiện nhiều trường hợp học sinh tự tử do không đạt kết quả trong học tập hay vì gia đình trách mắng. Thật xót xa mỗi khi phải nghe tin thanh thiếu niên lựa chọn giải pháp đau xót đến như thế…
Không nên vội quy kết trách móc các em mà hãy nhìn rộng ra để thấy được lý do tại sao lại có những hành động tiêu cực như vậy. Trách nhiệm thuộc về gia đình và nhà trường vì đã không trang bị cho các em kỹ năng sống để có bản lĩnh vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời.
Điều tra 2010 cho thấy số thanh thiếu niên Việt nam có ý định tử tử đã tăng gấp đôi so với năm 2005. Có rất nhiều nguyên nhân trong đó áp lực học hành, thi cử là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những cái chết thương tâm lứa tuổi học trò. Cuối tháng 11/2013, học sinh lớp 9 tại quận Gò Vấp, TP.HCM đã tìm tới cái chết vì thất vọng và cảm thấy tự ti với kết quả học tập. Năm 2012 cũng có hơn chục vụ học sinh tự tử, trong đó có ba học sinh lớp 7 tại Đắk Nông ; một nữ sinh trường chuyên ở Nam Định thắt cổ tự tử tại ký túc xá, và nữ sinh lớp 12 của trường THPT tư thục tại Thái Bình đã nhảy từ tầng 2 xuống đất trong giờ học môn Toán ngày 7/1. Vào năm 2006, 9 HS nữ đều 14 tuổi đã uống 100 viên thuốc ngủ khi có kết quả học tập kém, bị gia đình trách móc. Sau đó mấy tháng, 5 nữ sinh lớp 7 tại Huế cũng buộc tay nhau nhảy xuống sông vì bị gia đình mắng mỏ… |
Bậc làm cha mẹ cũng phải hiểu rõ tâm sinh lý của các em trong độ tuổi đang lớn, khi mà chúng chưa đủ bản lĩnh, kỹ năng thì cần phải ứng xử như thế nào? Nghiêm khắc để các em đi vào nền nếp nhưng cũng không nên tạo áp lực khiến con mình luôn có tâm lý không thể vượt qua được!
Trong khi nhà trường ra sức nhồi nhét kiến thức khoa học thì gia đình lại quá căng thẳng với những mong đợi đòi hỏi cấp nọ bằng kia mà quên rằng muốn đạt tới mục đích cần phải có kỹ năng.
Kỹ năng là thứ nhiều khi không nhìn thấy được, đó là những phẩm chất, bản lĩnh được rèn rũa hàng ngày. Điều các em cần là sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình chứ không phải áp lực mang tính tiêu cực đẩy các em đi tới những quyết định đáng tiếc.
Thay đổi cách giáo dục của bậc phụ huynh là điều rất cần thiết. Cha mẹ nào cũng mong con cái mau chóng trưởng thành, có địa vị trong xã hội, song mỗi người đều có năng lực riêng của mình. Con đường đi tới đích của cuộc sống nhiều khi không phải cứ thẳng băng mà có thể có những khúc quanh. Chưa chắc những người tới sau lại kém hơn những người tới trước.
Thay vì cách giáo dục tạo áp lực, cha mẹ hãy nên khuyến khích con cái để chúng có nghị lực phấn đấu đạt được mục đích, song cũng không lấy đó là áp lực khủng khiếp đến mức nếu thất bại là không còn gì nữa…
Cuộc sống tại những nước phát triển nhiều khi còn áp lực hơn rất nhiều so với Việt Nam, tuy nhiên, con người ở đó đều có những kỹ năng vượt khó. Trong qua trình phát triển của một đứa trẻ, từ gia đình, nhà trường đều có những hoạt động xã hội để rèn luyện giúp chúng vượt qua thử thách của cuộc sống.
Chuyện tự tử thì ở đâu cũng có song tình trạng chịu áp lực nặng nề thi cử dẫn tới trẻ phải kết liễu cuộc đời thì tại các nước phương Tây là rất hiếm.
Đáng tiếc xã hội chúng ta vẫn có những khoảng trống, thiếu dịch vụ hỗ trợ về kỹ năng sống. Chắc chắn trước khi các em đi tới những quyết định đáng tiếc, đã có rất nhiều những trăn trở, đau khổ… Giá như chúng ta có những dịch vụ giải quyết bế tắc, có thể các em đã tìm đến và tránh được giải pháp tiêu cực. Nghĩ tới cảnh các em phải cô đơn đối diện với một quyết định kinh khủng mới thấy xã hội chúng ta thật đáng trách!
Cuối cùng tôi cũng rất muốn nhắn nhủ tới các em học sinh, chúng ta có nhiều cách đạt tới mục đích của cuộc đời, có thể chậm hơn một năm nhưng biết đâu trong năm đó lại tìm ra được bao điều thú vị, có ích. Đừng quá vội nản lòng bởi thất bại bây giờ không có nghĩa là thất bại suốt cuộc đời .
Đừng chọn những giải pháp tiêu cực, hãy nhìn thất bại với cái nhìn tích cực hơn. Cuộc đời các em còn dài, nhiều trông gai nếu thoái chí ngay với thất bại đầu đời thì làm sao có thể đi tiếp những bước còn lại…
Theo Hoàng Vũ
Chất lượng Việt Nam