Nghệ An:

Học sinh lớp 12 bị cưa chân do phòng khám tắc trách?

(Dân trí) - Sau khi được bó bột do tai nạn giao thông tại phòng khám Đa khoa Việt An, em Thức đã buộc phải cắt chân để bảo toàn tính mạng. Gia đình cho rằng phòng khám tắc trách, phía phòng khám khẳng định chuyên môn không sai.

Bỗng dưng bị…cưa chân

Gia đình anh Nguyễn Mai Thịnh (SN 1965, trú tại xóm 7, xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) vừa có đơn gửi Sở Y tế Nghệ An, PV báo Dân trí tại Nghệ An “tố” các bác sỹ tại phòng khám Đa khoa Việt An đóng tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương tắc trách trong việc khám, chữa bệnh làm con trai anh là cháu Nguyễn Thế Thức (SN 1996, học sinh lớp 12, trường THPT Đô Lương I) phải cắt bỏ 1/3 chân trái.

Học sinh lớp 12 bị cưa chân, gia đình “tố” phòng khám tắc trách
Đơn tố cáo của gia đình anh Thịnh gửi các cơ quan chức năng "tố" bác sỹ phòng khám Đa khoa Việt An tắc trách, làm trái chuyên môn

Anh Thịnh cho biết, chiều ngày 31/8/2013, trên đường đi học về em Thức bị TNGT và được chuyển vào phòng khám Đa khoa Việt An để sơ cứu. Sau khi khám, chụp X quang, siêu âm…bác sỹ tại phòng khám chẩn đoán cháu Thức vỡ kín xương mâm chày trái. Sau đó, bác sỹ Nguyễn Bá Đại hút dịch ở đầu gối và bó bột, kê đơn thuốc điều trị hẹn đưa cháu Thức về nhà sau 4 tuần đến để tháo bột.

“Đêm 31/8, chân con tôi bị sưng to, tím tái, lạnh và không có cảm giác, gia đình phải đưa cháu xuống phòng khám đa khoa Việt An kiểm tra. Chờ mãi không thấy bác sỹ đến thăm khám và thờ ơ quá nên chúng tôi buộc phải đưa cháu về nhà, sau đó chuyển xuống Bệnh viện 115 cấp cứu”, anh Thịnh cho hay.

Học sinh lớp 12 bị cưa chân, gia đình “tố” phòng khám tắc trách
Gia đình anh Thịnh bàng hoàng trước sự việc vì con anh bị cưa chân sau khi điều trị tại phòng khám Đa khoa Việt An (Ảnh: Doãn Hòa)

Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán, chân trái cháu Thức bị chèn ép khoang do bó bột dẫn đến tắc mạch làm hoại tử. Sau khi mổ thông mạch máu, ngày 9/9, cháu Thức được chuyển ra Bệnh viện Quân đội 108 để tiếp tục điều trị. Các bác sỹ chẩn đoán và xác định cháu Thức: “Mất toàn bộ gân cơ khu trước, ngoài, sau, trong cơ dép. Tắc mạch dây trước, dây sau, cẳng chân trái đã phẫu thuật giải chèn ép, cắt cơ hoại tử do chèn ép khoang ở tuyến trước”.

Các bác sỹ Bệnh viện Quân đội 108 chỉ định mổ, cắt 1/3 cẳng chân trái để bảo toàn tính mạng. Mặc dù các bác sỹ tuyến trên kết luận hậu quả là do tuyến dưới, tuy nhiên, gia đình anh Thịnh không nhận được một lời động viên nào từ phía phòng khám Đa khoa Việt An.

Sau nhiều lần gia đình anh Thịnh liên lạc với ông Võ Văn Huy, Giám đốc phòng khám Đa khoa Việt An để yêu cầu làm rõ nguyên nhân thì ông Huy đã 2 lần chuyển cho gia đình anh Thịnh 100 triệu đồng.

Từ đó đến nay, mặc cho gia đình anh Thịnh yêu cầu phòng khám Đa khoa Việt An hỗ trợ chi trả các khoản chi phí nằm viện, chi phí lắp chân giả cho cháu Thức nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác từ phía phòng khám này. Anh Thịnh bức xúc: “Con tôi đã mất đi một phần chân trái, cuộc sống của cháu bây giờ gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như gia đình chúng tôi đã gặp phải”.

Bác sỹ chữa bệnh “chui”, phòng khám hết phép!

Trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Huy, Giám đốc phòng khám Đa khoa Việt An, lại cho rằng: “Về chuyên môn, chúng tôi không có gì sai trái cả. Rủi ro cái là gia đình họ chủ quan quá! Về nguyên tắc, nếu theo dõi tốt thì sẽ không vấn đề gì. Đây là điều rất đáng tiếc...”. Cũng theo ông Huy, do người nhà bệnh nhân Thức là “người trong làng, trong xã quen biết nhau cả” nên bác sỹ Nguyễn Bá Đại đã “xử lý luôn, bó luôn” cho bệnh nhân.

Kết quả siêu âm và đơn thuốc do bác sỹ Nguyễn Bá Đại kê cho em Thức 
Kết quả siêu âm và đơn thuốc do bác sỹ Nguyễn Bá Đại kê cho em Thức 

Về chuyên môn của bác sỹ Nguyễn Bá Đại, người trực tiếp siêu âm và bó bột cho cháu Thức, ông Huy cho biết, bác sỹ Đại là bác sỹ chuyên khoa I của Bệnh viện 103, phụ trách siêu âm của phòng khám (?).

“Việc để bác sỹ Đại vừa phụ trách siêu âm vừa điều trị, bó bột, về nguyên tắc nói sai là sai thật, đúng cũng đúng thật. Việc tắc mạch, tắc khoang xảy ra khoảng sau 2 - 6 giờ đồng hồ. Trường hợp này không phải tắc do chèn ép mà tắc do chấn thương đụng dập”, ông Huy phân trần.

Ông Huy cho hay, sau khi xảy ra sự việc, phía phòng khám Đa khoa Việt An đã “hỗ trợ” gia đình cháu Thức 10 triệu đồng.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem giấy tờ hành nghề, chuyên môn của bác sỹ Nguyễn Bá Đại và giấy phép hoạt động của phòng khám thì ông Huy thoái thác vì “quên chìa khóa”.

Phòng khám Đa khoa Việt An đã hết hạn cấp phép hoạt động từ tháng 11/2012?
Phòng khám Đa khoa Việt An đã hết hạn cấp phép hoạt động từ tháng 11/2012?

Được biết, phòng khám Đa khoa Việt An được đăng ký Giấy phép hành nghề số 19 ngày 9/11/2007 do phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế Nghệ An cấp. Đội ngũ y, bác sỹ có tất cả 14 người, trong đó có 9 bác sỹ, 2 kỹ thuật viên, 2 điều dưỡng và 1 y tá. Lĩnh vực được cấp phép hoạt động, gồm: Nội nhi thông thường, ngoại sàng thông thường, răng mặt thông thường, mắt thông thường, chẩn đoán hình ảnh bằng X-Quang và xét nghiệm sinh huyết học.

Tuy chỉ đăng ký hoạt động chỉ trên một số lĩnh vực trên nhưng biển quảng cáo của phòng khám Đa khoa Việt An lại thể hiện nhiều lĩnh vực khám, chữa bệnh như: Chấn thương, phụ khoa, tai mũi họng, nội soi…

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Sỹ Lương, phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế Nghệ An cho biết: “Giấy phép hành nghề của phòng khám Đa khoa Việt An đã hết hạn hoạt động từ tháng 11/2012 và đang trong thời gian chờ cấp phép trở lại theo Luật khám, chữa bệnh mới đối với các cơ sở tư nhân, hạn cuối là 30/12/2013. Còn bác sỹ Nguyễn Bá Đại, người trực tiếp bó bột cho em Nguyễn Thế Thức không có trong danh sách đăng ký bác sỹ hành nghề tại phòng khám này”!

Phòng khám Đa khoa Việt An đã hết hạn cấp phép hoạt động từ tháng 11/2012?
Bác sỹ Nguyễn Bá Đại không có trong danh sách bác sỹ, y tá được Sở Y tế Nghệ An cấp phép hành nghề tại phòng khám Đa khoa Việt An?

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tất cả 23 phòng khám đa khoa đang hoạt động. Phía Sở Y tế cấp phép hành nghề các phòng khám này nhưng việc theo dõi hoạt động thuộc về Phòng Y tế cấp huyện quản lý. Một số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã hết thời gian cấp phép nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Đặc biệt, việc gia tăng các lĩnh vực khám, chữa bệnh ngoài cấp phép, việc tuyển thêm bác sỹ vào làm việc cũng được thực hiện một cách tự do, không hề có sự giám sát. Đây là một khó khăn trong việc quản lý đối với các phòng khám đa khoa”, ông Lương nói.

Doãn Hòa - Nguyễn Duy