1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Học sinh chưa nhận được thẻ BHYT mới là do nhà trường

(Dân trí) - Đóng tiền mua Bảo hiểm Y tế từ đầu năm học, nhưng thẻ cũ hết hạn, học sinh vẫn chưa nhận được thẻ mới. Ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho hay: “Sau khi tiếp nhận danh sách đăng ký, tối đa 10 ngày chúng tôi sẽ cấp thẻ cho người mua… chậm hay nhanh là do nhà trường.”

Chậm có thẻ bảo hiểm y tế, học sinh mất tiền oan?

Trong các khoản thu đầu năm học, học sinh, sinh viên phải đóng luôn tiền Bảo hiểm Y tế (BHYT). Tuy nhiên, nhiều phụ huynh băn khoăn rằng dù đã đóng tiền bảo hiểm từ đầu tháng 9 nhưng tới nay vẫn chưa có thẻ nên phải tự bỏ tiền túi để đi khám bệnh.

Đầu năm học, học sinh TPHCM đều đã đóng xong tiền BHYT
Đầu năm học, học sinh TPHCM đều đã đóng xong tiền BHYT

Trong nội dung phản ánh đến Dân trí, anh H.T. - phụ huynh có con đang theo học tại trường tiểu học Thái Văn Lung, quận Thủ Đức bức xúc: “Tôi đã đóng tiền mua Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm Tai nạn ngay từ đầu năm học cho con, tiền thì đóng rồi mà thẻ thì chưa thấy đâu mà không biết khi nào mới có. Hỏi người thu tiền thì được trả lời chắc khoảng tháng 11 con tôi mới được nhận thẻ.”

Anh T. băn khoăn: “Chưa có thẻ bảo hiểm không may con bị bệnh đi khám chẳng lẽ gia đình phải móc túi ra chi trả dù tiền bảo hiểm đã đóng rồi. Nếu tới tháng 11 mới có thẻ thì phải chăng tự dưng bị mất 1 tháng tiền bảo hiểm?”.

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng một trường THPT tư thục tại quận Tân Phú cũng cho biết, những ngày qua nhà trường đã tiếp nhận nhiều câu hỏi của phụ huynh về việc cấp thẻ BHYT. “Đúng là học sinh đóng tiền BHYT cũng được cả tháng rồi nhưng đến nay trường vẫn chưa nhận được thẻ. Nhiều phụ huynh cũng phàn nàn với nhà trường việc này vì thẻ bảo hiểm cũ thời hạn có hiệu lực chỉ đến 30/9/2015. Phụ huynh thắc mắc thẻ cũ đã hết hạn mà vẫn chưa có thẻ mới thì đi khám phải tốn nhiều chi phí. Nhà trường cũng không biết giải thích với phụ huynh thế nào.”

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, TPHCM cho biết: “Các trường mới thu tiền bảo hiểm thì chưa thể cấp ngay thẻ BHYT được. Nếu trong thời điểm chờ lấy thẻ bảo hiểm mà phải đi khám bệnh liền thì phụ huynh nên liên hệ với phía bảo hiểm xã hội để được hướng dẫn quy trình khám. Tuy nhiên sẽ khó có chuyện bị mất tiền đi khám bệnh khi chưa có thẻ trong thời điểm này”.

Cũng theo đại diện Sở Giáo dục, trong điều lệ thì giáo viên không được thu tiền học sinh. Riêng đối với tiền bảo hiểm thì ngành giáo dục buộc phải thu tiền hộ cho ngành Bảo hiểm Xã hội. Phía trường và giáo viên cũng không thể can thiệp vào quy trình cấp thẻ bảo hiểm.

“Chậm hay nhanh là do nhà trường”

Để làm sáng tỏ những thắc mắc của học sinh và nhà trường về vấn đề chậm trễ trong việc cấp thẻ BHYT cho học sinh, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội, TPHCM. Ông Sang cho hay: “Tới hôm nay (8/10), chúng tôi đã cấp được 950.271 thẻ BHYT cho đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên. Dự kiến, tổng số thẻ sẽ cấp cho học sinh, sinh viên trên toàn thành là 1.600.000. Hiện còn nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp đang trong thời gian nhập học.”

“Việc cấp thẻ chậm hay nhanh phụ thuộc vào thời gian nhà trường, gửi danh sách đăng ký mua bảo hiểm cho học sinh, sinh viên lên Bảo hiểm Xã hội thành phố. Sau khi tiếp nhận danh sách đăng ký, tối đa trong vòng 10 ngày, Bảo hiểm Xã hội sẽ gửi thẻ BHYT về cho nhà trường để cấp phát cho người đã đóng tiền mua.” Ông Sang nhấn mạnh.

Để giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho người đã đóng tiền mua nhưng chưa nhận được thẻ, ông Sang cho biết: “Trong trường hợp học sinh, sinh viên đăng ký mua BHYT, thẻ cũ đã hết hạn, nhưng chưa nhận được thẻ mới, khi đi khám bệnh, chữa bệnh, để được hưởng bảo hiểm, học sinh, sinh viên cầm biên lai xác nhận đã đóng tiền mua BHYT của nhà trường đến Phòng Bảo hiểm Xã hội quận, Bảo hiểm Xã hội thành phố để được cấp giấy xác nhận đang làm thẻ. Giấy xác nhận sẽ thay thế tạm thời cho thẻ bảo hiểm mới, bệnh nhân sẽ được các bệnh bệnh viện khám chữa bệnh theo đúng các quy định của Luật bảo hiểm

Cụ thể hơn: “Đối tượng học sinh từ cấp II trở xuống sẽ cầm biên lai hoặc giấy xác nhận từ phía nhà trường đến Phòng Bảo hiểm Xã hội quận, huyện nơi trường đăng ký mua bảo hiểm để nhận giấy chứng thực đang làm thẻ. Học sinh cấp III và sinh viên sẽ đến trực tiếp tại Bảo hiểm Xã hội thành phố để nhận giấy chứng thực.”

Cũng theo chia sẻ từ ông Sang, năm học trước trên địa bàn thành phố, tỷ lệ bao phủ của BHYT với đối tượng học sinh, sinh viên đạt độ bao phủ là 85%. Trong năm học 2015 – 2016, UBND thành phố đặt chỉ tiêu bao phủ 100% nhưng căn cứ trên tình hình thực tế, Bảo hiểm Xã hội thành phố hy vọng khoảng 90% học sinh, sinh viên sẽ tham gia BHYT.

Lê Phương - Vân Sơn