1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Học lại cách ăn

Ai cũng ăn mới sống được, nhưng chưa chắc ai cũng biết ăn cho đúng, nên ông bà ta xưa mới có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Bốn cái sai phổ biến nhất là:

 
Học lại cách ăn


Ăn ngay sau tập thể dục, ăn xong đi ngủ

 

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu cơ thể vừa trải qua một quá trình vận động mạnh, phần lớn huyết dịch vẫn tập trung ở tay chân, xương khớp và cơ thịt, vì thế lượng máu trong đường ruột tương đối ít. Thần kinh của hệ tiêu hoá chưa hưng phấn trở lại, hoạt động của dạ dày giảm rõ rệt, nên cảm giác thèm ăn giảm thấp. Nếu ăn trong trạng thái này, tất yếu sẽ tăng gánh nặng cho đường ruột, gây rối loạn cho hệ tiêu hoá và có nguy cơ sinh bệnh.

 

Vì vậy, thông thường chỉ nên ăn sau khi vận động từ 40 - 50 phút, lâu hơn càng tốt. Nhiều người có thói quen đi ngủ trưa sau khi ăn để dạ dày tập trung làm việc. Nếu để ý sẽ thấy có người sau khi ngủ dậy đầu óc choáng váng, mệt mỏi, đau nhức, chẳng muốn làm gì. Đó là vì sau khi ăn cơm xong, máu đang chảy xuống dạ dày, lượng máu lưu thông lên não và xuống chân tay bị giảm nhiều.

 

Do đó, không nên đi ngủ trưa sau khi vừa ăn xong mà giấc nghỉ trưa tốt nhất lại là từ trước khi ăn 30 phút đến 1 tiếng. Thực tế cho thấy, giấc ngủ trưa như vậy rất có hiệu quả trong giải toả mệt mỏi, nâng cao hiệu quả làm việc của buổi chiều.

 

Uống nước, dùng canh trước khi ăn

 

Đối với người béo phì, có thể uống nước, dùng canh ngay trước khi ăn nhằm làm căng dạ dày, giảm cảm giác đói, giảm lượng thức ăn để đỡ thừa cân béo phì. Nhưng với người bình thường hay trẻ em thì không nên, vì nước sẽ hoà loãng dịch vị và men tiêu hoá, không tốt cho sức khoẻ.

 

Hơn nữa, với người bình thường, uống nhiều nước trước khi ăn còn tạo cảm giác no bụng, giảm khả năng diệt vi khuẩn trong dạ dày, từ đó dễ nhiễm một số bệnh đường ruột. Lượng thức ăn ít cũng không đảm bảo nhu cầu calo cho hoạt động hàng ngày khiến cơ thể dễ bị gầy yếu. Tốt nhất, nếu khát nước chỉ nên uống trước bữa ăn 30 phút đến 1 giờ, với lượng thích hợp.

 

Lưu ý, không uống nước ngọt trước bữa ăn. Khi đói mà sử dụng thức uống có đường dễ làm ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, tác động đến sự hấp thu dinh dưỡng của cơ thể, đặc biệt là cản trở hấp thu các loại protein.

 

Ăn trái cây sau bữa ăn

 

Thông thường mọi người đều cho rằng, ăn cơm xong mà tráng miệng bằng trái cây thì sẽ có ích cho tiêu hoá. Nhưng sự thực thì không phải vậy.

 

Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu và cho kết quả: ăn trái cây một giờ trước bữa ăn có tác dụng giảm béo và giúp tiêu hoá hiệu quả nhất. Trong trái cây có chứa chất đường, cơ thể dễ dàng hấp thu để bổ sung năng lượng. Hơn nữa, các chất xơ trong trái cây mà cơ thể không hấp thụ được giúp tạo cảm giác no, đó chính là bí quyết giảm béo khi dùng trái cây trước bữa ăn.

 

Các nhà nghiên cứu Đài Loan cũng có cùng kết luận với đồng nghiệp Mỹ, lý do là nếu ăn no rồi mới dùng trái cây thì lượng đường trong trái cây không kịp hấp thu vào hệ thống tiêu hoá, đường sẽ lên men trong dạ dày, sinh ra axít, dễ dẫn tới đầy bụng, tiêu chảy, ảnh hưởng không tốt tới chức năng tiêu hoá. Mặt khác, trái cây thuộc loại thức ăn sống, ăn trước bữa sẽ bảo vệ được hệ thống miễn dịch tránh bị kích thích không tốt bởi thức ăn chín.

 

Ăn rướn “để no lâu”

 

Nhiều người đã ăn đủ rồi nhưng thấy ngon miệng nên thường ăn thêm khá nhiều với lý do “để no lâu”. Điều này rất không nên, vì ăn quá no sẽ làm dạ dày trương lên quá độ, nhu động chậm chạp, dịch tiêu hoá tiết ra không đủ. Thức ăn nếu không được tiêu hoá sẽ tiết ra độc tố làm hại dạ dày, tá tràng và ảnh hưởng tới chức năng tiêu hoá, tăng nhanh tốc độ lão hoá. Ăn nhiều quá còn có thể gây béo phì hoặc tiểu đường. Nếu có cảm giác thèm ăn liên tục thì cũng nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá.
 

Yên dạ mới no lòng

 

Trong ăn uống, yếu tố tâm lý rất quan trọng, nếu ta huy động các giác quan tập trung chú ý vào bữa ăn, món ăn không những ngon miệng mà các dịch tiêu hoá cũng được tiết ra nhiều và đầy đủ để tiêu hoá, do đó việc hấp thu chất dinh dưỡng sẽ tốt. Nhìn thấy một món ăn hấp dẫn, ngon mắt, ta tăng thèm ăn, ngửi thấy mùi thơm xào nấu là bụng thêm đói cồn cào, nghe nói đến mơ chua là ứa nước miếng...

 

 

Còn khi ăn, lại tập trung tư tưởng vào những việc khác (đọc sách báo, xem tivi, cãi nhau...) thì sẽ giảm hứng thú, kém ngon miệng, nếu lặp lại thường xuyên thì có hại cho tiêu hoá hấp thu nói chung, dạ dày nói riêng. Trước khi ăn, hãy để cơ thể ở trạng thái yên tĩnh và ổn định, bởi điều này có lợi cho việc thúc đẩy cảm giác thèm ăn. Nên giữ nhịp độ ăn thật thong thả, thật chậm rãi, nhai thật kỹ rồi mới nuốt...

 

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc

Hội Dinh dưỡng lâm sàng TPHCM (SGTT)