Hoại tử khớp háng khi tiêm corticoid chữa ngứa đầu
Sau 10 ngày liên tục tiêm thuốc chữa ngứa da đầu, anh Sinh thấy mặt phù, da sạm đen, mỏi mệt, mụn trứng cá nổi khắp người.
Bản thân anh Sinh (tên được thay đổi, 28 tuổi, quê Đắk Lắk) không nắm rõ loại thuốc mình tiêm, mà được người quen giới thiệu tiêm từ 10-12 mũi sẽ hết ngứa da đầu.
Dù đã dừng dùng thuốc một thời gian, nhưng các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, anh tới bệnh viện khám và được chẩn đoán là bị biến chứng do tiêm corticoid.
TS.BS Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết, khi xét nghiệm máu có cortisol giảm nặng, đã phát hiện người bệnh bị suy tuyến thượng thận - tuyến nội tiết trong cơ thể tiết ra chất cortisol, bằng chứng cho thấy người bệnh có tiêm thuốc corticoid.
TS.BS Trần Quang Nam khám cho bệnh nhân
Khi được theo dõi, điều trị suy thượng thận vài tháng, người bệnh cảm thấy đau mơ hồ ở khớp háng, đi lại khó khăn, nguyên nhân bị hoại tử khớp háng có thể liên quan với biến chứng dùng corticoid không phù hợp.
Tuy đã ngưng không tiêm thuốc corticoid nhưng hậu quả vẫn còn tiếp diễn như mệt mỏi và tác động xấu lên xương.
Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi hai bên và buộc phải thay khớp vì không thể điều trị hồi phục bằng phương pháp thông thường.
PGS.TS.BS Bùi Hồng Thiên Khanh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi hai bên do dùng corticoid liều cao, chân bên trái nặng hơn bên phải.
Đây là một biến chứng rất đặc biệt, đôi khi chụp X-quang rất khó phát hiện, cần phải khảo sát sâu hơn bằng chụp MRI khớp háng.
Bác sĩ đã quyết định phải thay khớp háng bên trái toàn phần, phần chân bên phải do nhẹ hơn nên để bảo tồn, bác sĩ sẽ cấy sụn khớp vào phần bị hư.
TS.BS Trần Quang Nam khuyến cáo mọi người phải thận trọng trong việc sử dụng thuốc, không nên nghe theo tin đồn dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Khi người bệnh sử dụng corticoid, phải có chỉ định của bác sĩ và theo dõi liên tục các biến chứng có thể xảy ra như gây hoại tử các khớp lớn, đặc biệt là khớp xương đùi, chỏm xương đùi, khớp háng.
Thuốc corticoid được gọi đầy đủ là glucocorticoid. Corticoid dùng trong điều trị gồm nhiều loại: dexamethason (thường gọi nôm na là đề xa hay hột dưa, vì thuốc có dạng viên hình hạt dưa), prednison, prednisolon, methylprednisolon, triamcinolon…
Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc rất quý do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch.
Nó dùng để chống viêm, giảm đau, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận.
Corticoid còn có nhiều tác dụng khác nhau ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo, đến sự cân bằng nước và muối khoáng, hệ tim mạch, thần kinh, cơ xương, cùng nhiều cơ quan khác nhau.
Do thuốc corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể gây phù, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng, nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, mặt tròn như mặt trăng, nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên là Cushing). Thuốc còn gây cảm giác thèm ăn làm cho người dùng thuốc ăn ngon hơn.
Corticoid có các tác dụng phụ nguy hiểm khác như: làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm, hoặc các bệnh nấm).
Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết, rất nguy hiểm.
Theo Văn Đức
Vietnamnet