Hoa đẹp... chết người

Là loài cây có hoa rất đẹp, hay được trồng trên đường phố nhưng không phải ai cũng biết trúc đào có độc tính cao, thậm chí gây tử vong cho người và động vật. Chất độc của cây trúc đào làm chậm nhịp tim, tăng co thắt, giảm tốc độ dẫn truyền của dây thần kinh.

Trồng cây để mang lại mầu xanh cho thành phố là việc hữu ích nhưng cần chú ý một số cây có thể gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, trong đó thường gặp nhất là cây trúc đào.

 

Độc tính của trúc đào

 

Tên khoa học của trúc đào là Nerium oleander, thuộc họ Apcynacea, thân cây giống trúc nhưng hoa lại giống hoa đào nên có tên là trúc đào. Là loại cây đẹp thường được trồng trên đường phố nhưng trúc đào còn là loại cây rất độc.

 

Tất cả các bộ phận của cây đều độc, từ gỗ, vỏ, lá và hoa (hoa khô để 7 năm vẫn còn độc). Vỏ và lá trúc đào là các bộ phận độc nhất chứa 3 hoạt chất oleandrosid, nériosid, nérianthosid đều là các heterosid gây độc lên tim giống như loại dược thảo digitalis, tiêm lên tĩnh mạch thú vật để thử nghiệm sẽ gây tử vong tức khắc. Với người, chỉ cần ăn một lá trúc đào nhỏ cũng có thể chết. Kể cả uống nước suối gần nơi có rễ trúc đào cũng dễ bị ngộ độc.

 

Tác động sinh lý lên cơ thể

 

Độc chất của trúc đào tác động trực tiếp lên cơ tim làm chậm nhịp tim, gia tăng biên độ co thắt, làm giảm tốc độ dẫn truyền của dây thần kinh. Liều gây tử vong là 2mg cho mỗi ký cân nặng. Chúng còn gây sự kích thích tại chỗ và làm tiêu hủy máu.

 

Thử nghiệm độc tính trên chó, người ta thấy chỉ vài phút thì xuất hiện rối loạn tiêu hóa rất mạnh, nôn ói không kìm được và kéo dài đến vài giờ, tiêu chảy ra máu, đau bụng dữ dội, tiếp đến là các rối loạn thần kinh, rối loạn tim, co giật, mất tri thức rồi hôn mê.

 

Cấp cứu ngộ độc

 

Việc đầu tiên là loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách làm nôn ói và rửa ruột. Tiếp đến là điều trị các rối loạn tiêu hóa bằng các chất hút độc như than hoạt tính, chống co thắt và giữ thăng bằng các chất điện giải, chống lại các tác dụng lên tim bằng sulfat atropin tiêm truyền hay tiêm bắp lặp lại 2-6 lần mỗi ngày...

 

Khi phát hiện triệu chứng ngộ độc, cần đưa ngay nạn nhân đi cấp cứu. Trong khi chờ chuyển nạn nhân đi, có thể tạm thời xử lý:

 

- Nếu do cắn nhầm lá hay thân trúc đào, phải lấy ngay các mảnh vụn còn sót lại trong miệng nạn nhân, cho uống thật nhiều nước để làm nôn ói.

 

- Nếu bị ngộ độc trên da: Rửa bằng nước sạch nơi bị nhiễm độc ít nhất 15 phút, không nên thoa kem lên những vùng bị nhiễm độc.

 

- Theo dõi nhịp thở, nhịp tim và sự tỉnh táo.

 

Ngoài cây trúc đào còn có một số cây gây độc khác cũng cần chú ý như mã tiền, bã đậu, cô ca cảnh...

 

Theo DS Trương Tất Thọ

Sài Gòn Giải Phóng