Hóa chất tìm đường vào tử cung
(Dân trí) - Sau 2 lần sẩy thai, vợ chồng Gray quyết định xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân. Kết quả thật bất ngờ, máu người vợ nhiễm thủy ngân.
Nỗi ám ảnh của người làm cha mẹ
Cách đây 5 năm, Molly và Zachery Gray đã vô cùng đau khổ khi Molly sẩy thai lần đầu tiên. “Vui sướng, hạnh phúc và chờ đợi giây phút trở thành cha mẹ bỗng chốc tan tành. Nó quá bất ngờ. Thật kinh khủng!”, Molly, 32 tuổi, nhớ lại.
Sau khi sẩy thai lần 2, vợ chồng Gray quyết tâm tìm nguyên nhân. Ở lần mang thai thứ 3, sau khi nghe nói về xét nghiệm tìm hóa chất trong máu, Molly đã đi kiểm tra. Cô nghi ngờ hóa chất là thủ phạm gây ra tình trạng sẩy thai của mình bởi môi trường sống quanh cô đang bị “bội thực” các hóa chất. Trong khi đó, khoa học chưa hề có những cảnh báo cụ thể nào.
Kết quả xét nghiệm cho thấy trong máu của Molly có thủy ngân, một kim loại nặng có thể gây tổn thương não và ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
“Thật kinh khủng và tôi cảm thấy mình bất lực! Con trai tôi bị nhiễm thủy ngân. Điều này cứ ám ảnh tôi bởi tôi thấy mình không làm được gì để bảo vệ được con trước những nguy hiểm”, Molly nói.
Molly Gray vẫn luôn dằn vặt rằng thủy ngân trong huyết quản của cô đã truyền sang cho con. Và khi Paxton 11 tháng tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, vợ chồng Grays vẫn tỏ ra rất thận trọng. Họ cũng lo lắng về những thứ xung quanh mà không thể kiểm soát.
232 hóa chất trong cuống rốn
Molly chỉ là một trong hàng trăm thai phụ được xét nghiệm máu tìm hóa chất tại TT Sức khỏe môi trường của trẻ em Columbia (CCCEH) trong 12 năm qua. Những phụ nữ này đều bị nhiễm ít nhất một loại thuốc trừ sâu và một số chất gây ô nhiễm không khí thải ra từ các phương tiện giao thông.
BS Frederica Perera, Giám đốc TT CCCEH và là giáo sư trường Y tế cộng đồng Mailan, ĐH Columbia cho biết: “Chỉ kiểm tra hơi thở của thai phụ cũng phát hiện thấy chất độc”.
Nghiên cứu của CCCEH cho thấy người mẹ có thể truyền các chất độc sang con bởi các xét nghiệm máu của trẻ sơ sinh cho thấy có sự hiện diện của các chất độc này.
Nghiên cứu của EWG cho thấy trung bình có 232 hóa chất trong dây rốn của 10 trẻ sơ sinh chào đời vào cuối năm 2009. Chúng chính là các thành phần tạo nên các sản phẩm vệ sinh phổ biến trong gia đình như dầu gội và xả, mỹ phẩm, nhựa, thảm tắm, thảm trải sàn, các thiết bị điện như máy tính, điện thoại di động….
Những nghiên cứu nhỏ hơn của các nhóm khác cũng cho thấy sự hiện diện của các hóa chất vệ sinh phổ biến dùng trong gia đình ở cơ thể trẻ nhỏ.
“Chúng tôi đã đo hàng trăm chất độc trong máu trẻ vừa chào đời. Các hóa chất hiện diện trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, trang điểm, hóa phẩm… Và danh sách các hóa chất này rất dài”, Ken Cook, Chủ tịch Nhóm Làm việc vì môi trường EWG (Mỹ) cho biết.
Hóa chất càng nhiều, IQ của trẻ càng giảm
Perera và các cộng sự đang theo dõi trẻ cả 1 quá trình, bắt đầu từ tử cung, chào đời đến một vài năm đầu đời. Kết quả bước đầu cho thấy 15% trẻ (trong nghiên cứu) gặp ít nhất 1 vấn đề về phát triển”, Perera cho biết.
Lượng hóa chất tìm thấy trong dây rốn trẻ sơ sinh cũng là một vấn đề. Lượng hóa chất càng tập trung nhiều thì IQ càng giảm. Nghiên cứu cũng được thực hiện trên phụ nữ mang thai sống ở Ba Lan và Trung Quốc và cũng cho kết quả tương tự.
“Chúng ta không biết liệu 80% các hóa chất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày này liệu có gây tổn thương não bộ, hệ miễn dịch và hệ thống sinh sản cũng như các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể hay không. Điều này thực sự đáng báo động”, BS Phil Landrigan, chuyên gia Nhi và là Giám đốc TT Sức khỏe Môi trường nói.
Trong khi các nghiên cứu về các nguy cơ đối với sức khỏe từ hóa chất vẫn tiếp tục, các chuyên gia khuyến nghị nên tăng cường các thực phẩm được nuôi trồng không dùng tới hóa chất, giữ cho ngôi nhà sạch bụi và hạn chế dùng các sản phẩm vệ sinh nhà cửa.
Nhân Hà
Theo CNN