1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hóa chất tạo mùi nhang giá bèo: Mua đâu cũng có

Đi sâu tìm hiểu, nhiều người tá hỏa khi thấy những chai hóa chất tạo mùi hương cho nhang như Trầm, quế, lài... bán nhan nhản khắp nơi.

Hóa chất, chứ lấy đâu ra hương trầm thật

 

Với những thông tin thu thập tại các cơ sở làm nhang, PV đã thực hiện khảo sát thị trường hương liệu tạo mùi thơm cho nhang tại Hà Nội và ghi nhận, những loại hóa chất tạo mùi cho nhang được bày bán công khai, nhan nhản xung quanh khu vực chợ Đồng Xuân.

 

Theo chị H., bán hàng hóa chất, công thức làm nhang thì như nhau nhưng cách pha chế mùi hương thì mỗi nơi lại có cách làm riêng. Chính vì thế, mỗi một nhãn hiệu hương lại có một mùi hương riêng. Ngay cả hương trầm, cũng mỗi nơi một khác.

 

Nhan nhản các loại hương liệu tạo mùi

Nhan nhản các loại hương liệu tạo mùi 

 

Giá của các loại hóa chất tạo mùi này cũng được phân loại theo nguồn gốc xuất xứ. Nếu là hàng Trung Quốc thì giá chỉ từ 25.000 - 50.000 đồng/lọ nhỏ và khoảng 100.000 - 120.000 đồng/lọ lớn. Còn nếu xuất xứ từ Anh, Pháp,…thì loại rẻ nhất cũng từ 100.000 đồng trở lên.

 

Tuy nhiên, theo chị H, những hộ gia đình làm hương nhang thường tìm mua các loại hương liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc vì giá thành rẻ.

 

“Mỗi bó nhang giá 3.000 - 5.000 đồng, thì tất nhiên chỉ có hóa chất Trung Quốc. Trầm thật vừa đắt, vừa hiếm, lấy đâu ra để làm hương”, chị Hoa nói.

 

Theo quan sát của phóng viên, các loại hương liệu được bày bán tại đây có 2 dạng, một dạng lỏng được đựng trong các can trắng, không nhãn mác, chỉ có các các chữ viết tay ghi tên mùi, ví dụ như: trầm, hoa hồng,...

 

Còn loại dạng bột được chia thành từng túi trắng nhỏ theo kilogram, cũng không nhãn mác, hạn sử dụng hay nguồn gốc xuất xứ.

 

Theo tiết lộ của chị H, để pha chế mùi hương cho nhang, thông thường người sản xuất thường pha chế cùng với cồn trong các xô, chậu hoặc thùng phuy, sau khi làm hương xong, nhúng vào hóa chất này khoảng 3 - 5 phút cho ngấm, rồi nhấc ra phơi nắng.

 

Tỷ lệ cồn và hương liệu thì tùy theo công thức của nơi sản xuất. Nếu muốn mùi hương đậm thì tỷ lệ cồn sẽ ít, còn muốn hương thoang thoảng thì tăng tỷ lệ cồn. Tuy nhiên, nếu cho nhiều cồn quá, khi đốt hương sẽ khiến người hít phải bị cay mắt, chảy nước mũi. Vì vậy, tỷ lệ cồn không được để quá nhiều.

 

Thờ ơ với hóa chất độc

 

Tại thị trường Hà Nội, các loại hương nhang với đủ loại từ nội địa đến ngoại nhập, đủ các mùi hương được bày bán tràn lan tại các chợ. Đa số các loại hương đều không ghi rõ thành phần cũng như nguồn gốc xuất xứ.

 

Dạo qua thị trường nhang hương tại một số chợ ở Hà Nội như: Nghĩa Tân, Đồng Xuân, Ngã Tư Sở,….có thể thấy các mặt hàng nhang hương phong phú từ chủng loại đến nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ.

 

Từ các loại hương được giới thiệu là sản xuất trong nước, đến các loại hương nhang có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan với đủ các mùi hương, riêng loại hương trầm đã có đến hàng chục loại: trầm nhẹ, trầm nồng, trầm đặc biệt, trầm nội địa, trầm ngoại nhập,…Ngoài ra, các loại hương khác như: hương quế, cúc, lài,….cũng bán khá chạy.

 

Tuy nhiên, hầu như nhang đang bày bán trên thị trường lại không ghi thành phần, hương liệu sử dụng. Giá của các loại hương nhang này dao động từ 3.000 – 50.000 đồng/bó.

 

Chị Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, xưa nay chị thường chọn mua hương theo thói quen, tiện chợ nào thì mua chợ ấy, cũng không mấy khi chị để ý tới nhãn mác hay các thành phần khi trên bao bì.

 

“Thông thường tôi chỉ chọn loại hương, rồi bảo người bán lấy cho. Thắp xong mà thấy tàn hương đẹp thì lần sau lại qua quán đó mua. Còn nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hay thành phần thì tôi rất ít khi quan tâm”, chị Mai chia sẻ.

 

Hương tẩm hóa chất có màu vàng sậm hơn

Hương tẩm hóa chất có màu vàng sậm hơn 

 

Ngoài ra, theo chị Mai, việc thắp hương nhang thường vào các dịp lễ, Tết hoặc ngày rằm hay đầu tháng, tức là việc sử dụng các loại nhang là không thường xuyên. Vì thế, nếu nhanh có độc hại, chắc cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều.

 

Thắp xong mà thấy tàn hương đẹp thì lần sau lại qua quán đó mua. Còn nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hay thành phần thì tôi rất ít khi quan tâm.  

 

Giống như chị Mai, chị Lành (phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, mỗi khi thắp hương, dù mùi thơm của hương khá nồng nặc, khiến cho mọi người đều bị cay mắt và chảy nước mắt. Tuy nhiên, do phòng thờ nằm ở riêng 1 tầng và khi đốt nhang đều mở hết các cửa sổ ra, nên việc cả gia đình chị đều không ai cảm thấy khó chịu vì mùi hương.

 

Hầu hết các khách hàng vào mua hương nhang hiện nay đều chỉ quan tâm đến loại hương và tàn hương sau khi thắp, còn gần như không ai để ý đến các thành phần có trong hương.

 

Bác M, chủ một sạp hương nhang ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết, khách hàng mua hương thường chỉ hỏi “nhang thắp có đẹp không” hoặc mùi hương thế nào, thơm lâu không, còn thành phần làm bằng gì, không mấy ai quan tâm…

 

Chị N., bán hương ở chợ Nghĩa Tân cũng thừa nhận, không thể biết được các loại hương được làm từ nguyên liệu gì, mỗi nơi sản xuất thì lại chào hàng một cách khác nhau. Có nơi nói là hương trầm được làm từ trầm thật, nhưng giá nhập vào thực tế rẻ  hơn rất nhiều so với hương làm từ hương liệu bình thường.

 

“Tùy theo sở thích và nhu cầu của từng gia đình mà chọn loại hương cho phù hợp thôi, còn thực tế, cách pha chế hương liệu hay công thức sản xuất hương như thế nào rất khó có thể biết được”, chị Nhàn cho biết.

 

Tiếp theo: Những người phụ nữ 'vàng khè', bỏ nghề hương về nuôi lợn

 

Theo Châu Anh

VTCnews