1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ho suốt cả năm vì hạt hồng xiêm "ngự" trong phế quản

(Dân trí) - Trung tâm hô hấp (BV Bạch Mai) vừa gắp dị vật là hạt hồng xiêm trong phế quản bệnh nhân 1 năm nay, gây tình trạng ho kéo dài uống thuốc không khỏi cho người bệnh.

BS Phan Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp cho biết, ca gắp nội soi gây mê được thực hiện hô 27/2, giải phóng dị vật gây ho kéo dài cho bệnh nhân Đ.V.T (47 tuổi, Nghĩa Hưng, Nam Định).

Theo bệnh nhân T., cách đây một năm bệnh nhân có ăn hồng xiêm bị sặc (nhưng không nghĩ có hạt hồng xiêm bị mắc trong phổi). Sau đó bệnh nhân bị ho kéo dài và đau tức ngực bên phải, đã đi khám nhiều nơi, uống nhiều thuốc nhưng không dứt ho.

Ngày 20/2, bệnh nhân đến Trung tâm hô hấp khám, được các bác sỹ phát hiện tình trạng ho do giãn phế quản, theo dõi dị vật đáy phế quản phải. Sau 1 tuần điều trị ổn định các bác sĩ mới có thể can thiệp nội soi phế quản gây mê gắp ra dị vật là một hạt hồng xiêm và có nhiều dịch mủ đục phía dưới chỗ tắc.

Ngay sau khi được gắp dị vật, bệnh nhân đã hết ho hoàn toàn, cảm thấy dễ chịu và không còn khó thở.

Một trường hợp khác, bệnh nhân H.V.H (67 tuổi, Thái Bình) lại hóc hi hữu, hóc cả viên thuốc con nhộng còn trong vỏ nhôm.

Dị vật là hạt hồng xiêm, viên thuốc con nhộng được lấy ra. Ảnh: BS cung cấp.
Dị vật là hạt hồng xiêm, viên thuốc con nhộng được lấy ra. Ảnh: BS cung cấp.

Trước đó, bệnh nhân ốm tự ra hiệu thuốc mua, được người bán thuốc chia liều uống riêng từng túi. Hôm đó ông mở túi thuốc, bỏ cả vốc thuốc vào miệng mà quên không kiểm tra thuốc đã bóc vỏ hay chưa.

Bệnh nhân kể với bác sĩ, khi uống thuốc nuốt thấy vướng vướng nhưng sau khi trôi qua thì có tình trạng ho sặc sụa, khó thở, không nghĩ gì đến việc uống phải viên nhộng còn cả vỏ.

Sau uống 2 ngày, bệnh nhân sốt nhẹ, ho, đến BV Bạch Mai khám hôm 22/02, được các bác sĩ phát hiện, gắp thành công một viên thuốc con nhộng còn nguyên vỏ nhôm từ phế quản gốc bên phải.

Theo PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, viên nhộng còn nguyên vỏ được gắp ra là viên thuốc comazil (là một loại thuốc chữa cảm cúm) còn nguyên vỏ nhôm. Đây là một trường hợp khá hy hữu bởi bệnh nhân chủ quan, lờ là khi uống thuốc. Viên thuốc còn nguyên vỏ nhôm cứng, rất sắc nhọn nên có nguy cơ gây tổn thương và viêm phế quản, viêm phổi rất cao.

Các bác sĩ khuyến cáo, sau khi ăn, uống có tình trạng hóc dị vật thoáng qua (thường biểu hiện bằng cơn ho sặc sụa một lúc rồi hết), sau đó xuất hiện tình trạng ho kéo dài, người bệnh nên đi khám chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng để phát hiện nguy cơ có dị vật bỏ quên trong phế quản.

Hồng Hải