Ho, sốt kéo dài vì hạt hồng xiêm nằm trong phế quản 4 năm
(Dân trí) - Nữ bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện ho, sốt kéo dài suốt 4 năm qua nhưng điều trị không khỏi. Qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện phổi của bệnh nhân có dị vật và tiến hành nội soi gắp ra 1 hạt hồng xiêm.
Ngày 10/10, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho trường hợp hóc dị vật rất hi hữu. Nữ bệnh nhân là chị M.L. (48 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến bệnh viện trong tình trạng ho, sốt kéo dài nhiều năm, điều trị lui bệnh thời gian ngắn lại tái phát.
Sau khi thăm khám, chụp X-quang bác sĩ ghi nhận dấu hiệu bất thường vì đáy phổi phải của bệnh nhân xuất hiện một đám mờ trên hình ảnh. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định chụp CT ngực để truy tìm nguyên nhân, kết quả ghi nhận trong lòng phế quản thùy dưới phổi phải có một dị vật không rõ bản chất, kèm thương tổn viêm thùy giữa và thùy dưới phổi phải.
Các bác sĩ tiến hành nội soi phế quản bằng ống nội soi mềm thì phát hiện dị vật có màu đen, dạng elip, kích thước khoảng 2cm. Dị vật được gắp ra ngoài qua ống nội soi được xác định là 1 hạt của trái hồng xiêm.
Theo lời kể của bệnh nhân với bác sĩ, khoảng 4 năm trước, trong lúc hai mẹ con vừa ăn hồng xiêm (sapôchê) vừa trò chuyện thì không may bị ho sặc. Chị bị hạt trái cây vướng vào cổ họng nên dùng tay cố móc nhưng không được. Cô con gái đã lấy cơm và nước cho mẹ nhai nuốt để đẩy hạt xuống bao tử. Sau khi chữa “mẹo” người mẹ hết ho sặc.
Tuy nhiên, khoảng 3 tháng sau chị M.L. bắt đầu có triệu chứng ho liên tục, ho có đàm. Mỗi lần ho, chị mua uống thuốc về nhà tự điều trị. Khi uống thuốc tình trạng ho giảm dần nhưng ngưng thuốc thì bệnh lại tái diễn. Người bệnh đã đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân, sau 4 năm chịu đựng, bệnh nhân mới được giải thoát khi bác sĩ tìm thấy hạt hồng xiêm trong phổi.
BS Lê Hoàng Hải, khoa Nội tổng quát, người trực tiếp nội soi gắp dị vật cho biết: “Đây là trường hợp hóc dị vật không mới, tuy nhiên bệnh nhân đi khám, thường được bác sĩ chẩn đoán và điều trị viêm phổi, ít khi nghĩ đến viêm phổi do dị vật. Do đó, hầu hết các trường hợp dị vật ở phế quản thường được chẩn đoán và xác định muộn”.
BS Hải cũng khuyến cáo cộng đồng, khi ăn uống cần tránh cười đùa. Trường hợp chẳng may bị sặc, ho, có triệu chứng đau tức ngực, ho dữ dội, cần đi khám ngay, không nên cố lấy dị vật ra, nhất là khi dị vật đã đi vào đường hô hấp. Nếu để lâu, dị vật sẽ gây viêm phổi tái phát nhiều lần.
Xử trí khi bị hóc cho nạn nhân sau 12 tuổi:
Với trẻ từ 12 tuổi và người lớn, khi bị hóc dị vật vào đường thở, người sơ cứu đứng sau lưng nạn nhân, hai tay vòng ra phía trước, đan chéo nhau rồi đặt lên vùng thượng vị (chấn thủy) giật mạnh vào để tống dị vật ra. Nếu trẻ quá nặng ký hoặc người lớn thì cho nằm sấp xuống, đầu nghiêng một bên. Người sơ cứu để hai bàn tay vuông góc nhau và ấn lên chỗ chấn thủy, rồi đẩy mạnh đột ngột từ 3 đến 5 lần để đẩy dị vật ra.
Vân Sơn