TPHCM:

Ho ra máu do loét túi thoát vị dạ dày

(Dân trí) - Một phần dạ dày trồi vào lồng ngực tạo thành túi thoát vị. Tại túi này có ổ loét khiến bệnh nhân ho khạc ra máu, thay vì đi cầu hay nôn ra máu như các trường hợp loét dạ dày thông thường.

Ngày 1/8, ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Nội tiêu hóa BV Nguyễn Tri Phương, cho biết bệnh viện đã điều trị thành công cho bệnh nhân N.T.K (48 tuổi, ở quận 8). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau vướng cổ họng và ho khạc ra máu tươi từng đợt.

Tại BV Nguyễn Tri Phương, sau khi xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, chụp CT scan lồng ngực và nội soi vùng mũi họng của bệnh nhân, BS vẫn không tìm ra nguyên nhân gây ho khạc ra máu.

Vì vậy, BS tiến hành nội soi dạ dày bằng ống nội soi mềm qua đường miệng và phát hiện ông K. mắc bệnh thoát vị hoành (thoát vị dạ dày). Một phần dạ dày chui qua lỗ của cơ hoành trồi vào lồng ngực tạo thành túi thoát vị. Tại túi này có 1 ổ loét gây chảy máu.

Tuy nhiên, máu không chảy xuống ruột mà đọng lại trong túi dạ dày bị thoát vị và trào ngược ra ngoài, kích thích bệnh nhân ho khạc. Do đó, ông K. có triệu chứng ho khạc máu tươi chứ không gây ói máu hay đi cầu ra máu.
 
Hình minh họa cho bệnh thoát vị hoành
Hình minh họa cho bệnh thoát vị hoành
 
Đây là trường hợp hiếm gặp, vì nơi chảy máu nằm trong túi dạ dày bị trồi ngược vào trong lồng ngực. Các BS đã tiến hành can thiệp “cầm máu thành công qua đường nội soi dạ dày từ miệng xuống” bằng cách kẹp cầm máu vết loét đang chảy máu, tránh phải can thiệp phẫu thuật.
 
Ngay sau khi can thiệp nội soi thành công, bệnh nhân đã ngưng ho khạc ra máu và sau đó điều trị tiếp tục thêm gần 1 tháng nữa rồi xuất viện an toàn, làm việc bình thường.
 
Vết loét trong túi thoát vị hoành

Vết loét trong túi thoát vị hoành
 
Kiểm tra lại sau khi can thiệp nội soi

Kiểm tra lại sau khi can thiệp nội soi

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương cho biết: “Thoát vị hoành (thoát vị dạ dày) là bệnh lý mà toàn bộ dạ dày thay vì phải nằm hoàn toàn trong ổ bụng thì lại có một phần chui qua lỗ của cơ hoành, trồi vào trong lồng ngực tạo thành một túi thoát vị.

Túi này thường gây các triệu chứng như ợ nóng, dễ bị trào ngược thức ăn, ho khan, tức ngực, đôi khi không gây triệu chứng gì.

Bệnh thoát vị hoành không hiếm nhưng việc thoát vị, loét và chảy máu, ho, khạc ra máu vô cùng hiếm gặp”.  

Hồng Nhung
Ảnh: BS Trần Ngọc Lưu Phương cung cấp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm