Ho kéo dài vì dị vật “ngự” ở phổi nhiều năm

(Dân trí) - Thời gian gần đây, bé Hà Vy phải liên tục uống thuốc vì chứng ho dai dẳng. Tình trạng này kéo dài tới 5 tháng, bé mới được đưa tới khám tại Viện Tai mũi họng TƯ. Bác sĩ xác định nguyên nhân gây ho dai dẳng là do một hạt lạc nằm ở phổi.

Điều trị khắp nơi vẫn không thể chữa dứt điểm

“Khi nghe bác sĩ hỏi về tình trạng ho, cường độ tái diễn, rồi hỏi về chuyện ăn uống của bé, có khi nào bé đang ăn rồi bị ho sặc sụa, tím tái không… tôi rất ngạc nhiên. Vì con trẻ mà, ăn bé thường xuyên ho, sặc kể cả khi ăn sữa, cháo. Nhưng khi bác sĩ hỏi kỹ, vì rất có khả năng, chứng ho dai dẳng, hay tái diễn của cháu có thể là do bé bị hóc dị vật trong đường thở, tôi mới nghĩ kỹ và nhớ có lần, khi cả nhà đang ăn cơm có món lạc rang, bé đã nhanh tay vơ được và nhét vào miệng. Dù tôi lấy tay móc ra được vài hạt, nhưng sau đó bé cũng ho sặc sụa, tím tái mất một lúc mới thôi”, chị Khanh, mẹ bé Vy (3 tuổi ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) kể.
 
Ho kéo dài vì dị vật “ngự” ở phổi nhiều năm - 1
Tủ "sưu tầm" những tác nhân gây hóc dị vật được trưng bày tại khoa Nội soi - BV Tai mũi họng TƯ để góp phần cảnh báo người bệnh (Ảnh: H.Hải)

Sau khi được chụp phim X- quang phổi, đúng như nhận định ban đầu của bác sĩ, ở phế quản phổi của bé có một điểm mờ nhỏ tròn tròn. Các bác sĩ đã nội soi và lấy ra một hạt lạc và hiện tình trạng ho dai dẳng của bé đã được cải thiện. BS giải thích, bé Vy bị hóc hạt lạc, nhưng không bị hóc hẳn mà chỉ ở dạng “hội chứng xâm nhập thoáng qua”. Khi vừa bị hóc, trẻ khó thở, tím tái, hốt hoảng, khóc thét nhưng sau đó dị vật trôi xuống khí quản, phế quản thì giảm hoặc hết triệu chứng. Sau đó, trẻ sẽ khó chịu, có cảm giác khó thở, ho dai dẳng… do dị vật vẫn còn và gây viêm, kích thích gây ho. 

ThS. Lê Anh Tuấn, phòng Cấp cứu, BV Tai mũi họng TƯ cho biết, khá nhiều trường hợp trẻ em, thậm chí cả người lớn bị ho dai dẳng kéo dài không dứt hoặc tái diễn liên tiếp, khi đưa tới viện khám các bác sĩ đã phát hiện dị vật đường thở như trường hợp của bé Vy.

“Rất nhiều trường hợp ho dai dẳng, uống thuốc liền 2-3 tháng không đỡ. Cá biệt, có những trường hợp, ho dai dẳng hàng năm trời, điều trị ở khắp nơi, hết uống thuốc tây, đến đông y, rồi thuốc nam… mà vẫn không trị được chứng ho. Đến khi được phát hiện có dị vật bỏ quên, được gắp ra thì tình trạng bệnh đỡ hơn hẳn”, ThS. Tuấn nói.

Như trường hợp của cháu T.H.H (15 tuổi ở thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cũng bị ho dai dẳng trong hai năm liền. Sau đó tới viện, cháu đã được phát hiện và lấy ra dị vật là một đầu bút bi ở phổi và tình trạng ho cũng chấm dứt.

Cá biệt, mới đây, một phụ nữ 50 tuổi ở Hà Nội cũng bị chứng ho tương tự hơn một năm trời đã cũng được các bác sĩ Viện Tai mũi họng TƯ gắp từ phổi ra một chiếc xương cá. Rất đặc biệt là xương cá là dị vật hữu cơ, nhưng vẫn tồn tại trong phổi rất lâu.

Dễ nhầm với bệnh khác

Theo ThS. Tuấn, với những trường hợp ho dài ngày không khỏi, tái diễn liên tiếp, các bác sĩ cần chú ý khai thác hội chứng xâm nhập trước đó (bé có ho, sặc trong khi ăn, khi nhét đồ vật gì vào miệng - pv). Bệnh nhân nên tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác. Vì khi trong phế quản, phổi có dị vật, dị vật sẽ gây viêm nhiễm, phù nề, kích ứng gây ho dai dẳng, viêm tái diễn. 

Ths Tuấn cảnh báo, để phòng hóc dị vật, nhất là ở trẻ nhỏ, khi cho trẻ ăn các loại trái cây có hạt, thì cha mẹ nên bóc bỏ hạt trước khi trẻ ăn. Cũng cần chú ý trong việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ, không cho trẻ chơi các đồ sắc nhọn, mảnh đồ chơi bị vỡ nhỏ.
 
Với người lớn, khi ăn uống cũng cần rất chú ý. Ở người lớn hóc dị vật hay gặp nhất là hóc xương cá. Hóc dị vật xương cá rất nguy hiểm, vì xương cá nhọn có thể từ đường thực quản chui ra ngoài. Khi đó, sẽ có nguy cơ xương cá cắm vào mạch máu, vì thực quản nằm sát với mạch máu lớn từ tim ra. Nếu xương cá làm thủng mạch máu, bệnh nhân có thể tử vong.
 
Còn khi ăn uống, nếu đang bình thường bỗng có các dấu hiệu ho sặc sụa, ngưng thở, tím tái, trợn mắt thì phải nghĩ ngay bị dị vật đường thở và cần nhanh chóng sơ cứu đưa bệnh nhân tới viện. Còn sau cơn ho, tím tái rồi lại trở lại bình thường, nhưng sau đó thường xuyên ho dài ngày, tái diễn cũng nên tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám để loại trừ nguyên nhân do hóc dị vật bỏ quên.
 
Hồng Hải