Hò hét, ép rượu - Tâm lý đám đông tệ hại

Tiến sỹ Nguyễn Kim Quý cho biết, ép rượu, sử dụng rượu mọi lúc mọi nơi là do tâm lý đám đông.

 

TS Nguyễn Kim Quý

TS Nguyễn Kim Quý
 

Tiến sỹ Quý nói: Gặp nhau có tí rượu vui là truyền thống đẹp lâu đời của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung. Xưa người ta uống ít, mỗi người một chén nhỏ như mắt trâu và coi rượu như một món khai vị nhập cuộc. Ngày nay vui uống, buồn uống, ma chay hiếu hỉ, liên hoan đều uống.

 

Sao lại có văn hóa ép uống, phải say thì mới vui, thưa bà?

 

Là do tâm lý đám đông, hiếu thắng trên bàn nhậu. Có thể ban đầu họ không có ý ép, nhưng trong một cuộc vui, họ dễ hùa theo đám đông. Tâm lý đám đông tác động lớn đến thói quen và văn hóa ép rượu không đẹp này của người Việt. Hơn nữa, máu sỹ diện luôn có trong mỗi người, khi được kích động, nhiều người từ không biết uống cũng nhắm mắt uống.

 

Tôi từng chứng kiến nhiều cảnh gia đình mất đi trụ cột gia đình vì rượu, bạo hành vì rượu. Mới đây có hai mẹ con ở Đắk Lắk tìm đến Đường dây tư vấn 18001567 kêu cứu vì bị bạo hành suốt 10 năm bởi người chồng nát rượu. Từ khi còn nhỏ đến năm 13 tuổi, cháu bé lớn lên trong cơn say của bố, những đòn roi, những cú đấm, toàn thân bầm dập, đau nhức.

 

Trung tâm đã trị liệu cho hai mẹ con và tìm việc làm cho họ trong 1 năm trốn ở Thủ đô. Tôi cũng biết một cô giáo, sau một đêm đã mất chồng, đứa con mồ côi cha vì chồng cô uống rượu say đi xe máy trong đêm khuya gặp gió lạnh đã bị cảm và đột tử giữa đường. Rượu gây tổn thương cho nhiều gia đình, cướp đi hạnh phúc của họ, gieo bệnh nặng, thậm chí là nguyên nhân của tội ác, nạn bạo hành.

 

Tại sao ai cũng biết tác hại của rượu mà vẫn uống say?

 

Là do tâm lý đám đông, cả làng, cả họ uống sao mình không uống. Trong xã hội, rượu đang được sử dụng vô tội vạ. Đã có những biện pháp quản lý hạn chế uống rượu như cấm uống rượu trong giờ làm việc của khối công chức, viên chức, công an, bộ đội; không được lái xe khi nồng độ cồn vượt mức cho phép...nhưng hiện tại chúng ta chưa có chế tài kiểm tra, chưa làm nghiêm nên hiệu quả chưa cao. Ở nhiều nước phát triển pháp luật quy định cụ thể tuổi cho phép được uống rượu, họ phạt rất nặng khi người dân vi phạm.

 

Làm gì để hạn chế tác động của rượu bia đến xã hội, thưa bà?

 

Nên chăng có một cuộc khảo sát về tác động của rượu bia đến đời sống xã hội, một điều tra xã hội học về hậu quả của say rượu, cung cấp một bức tranh toàn cảnh để xã hội nhìn vào. Truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ, lên án những thói tật từ rượu.

 

Chúng ta không cấm uống rượu, nhưng không được uống say, uống vượt mức cho phép. Cần quản lý rượu chặt chẽ, đặc biệt là ở tuổi vị thành niên, đó là cách hạn chế trẻ em gây tội ác.

 

Theo Hải Yến

Tiền phong