“Hô biến” hàng cận “date” thanh lý

“Chạy date” là thuật ngữ được giới kinh doanh dùng để bán giảm giá những mặt hàng sắp hết hạn sử dụng. Những mặt hàng cận date này có giá rất rẻ nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro có hại cho sức khỏe nếu mua phải những sản phẩm chất lượng đã đi xuống.

 

Hàng cận date được bán rẻ ngoài vỉa hè

 Hàng cận date được bán rẻ ngoài vỉa hè

 

Chạy date để giải quyết hàng tồn

 

Trên một số diễn đàn, mạng xã hội thời gian gần đây liên tục xuất hiện những lời mời chào, rao bán những sản phẩm tiêu dùng như sữa, váng sữa, mỹ phẩm, bánh kẹo, hạt nêm... nhập khẩu còn ngày sử dụng ngắn với giá siêu rẻ.  Theo những người bán, có rất nhiều lý do để “đẩy hàng” nhưng mục tiêu cuối cùng là thu hồi vốn.

 

Vì ham rẻ và cũng mê các sản phẩm mác ngoại, nhiều chị em đã đua nhau bỏ tiền khuân những sản phẩm cận date về để sử dụng, bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn từ những sản phẩm sắp hết hạn sử dụng này.

 

Chị Thu Trang (Định Công, HN), người đang rao bán lô váng sữa và sữa tươi nhập khẩu từ Đức cho hay, vì mới kinh doanh nên không có nhiều kinh nghiệm cộng với việc bận bịu con nhỏ nên không bán được hàng khiến cho lô hàng chị nhập về bán chậm, giờ muốn thu hồi vốn nên đành “cắn răng” bán rẻ.

 

“Không như các mặt hàng khác, sữa tươi nhập khẩu có thời gian sử dụng ngắn, trên thị trường lại có quá nhiều sản phẩm, mình thua họ ở khâu quảng cáo nên chấp nhận bán rẻ thua lỗ để kéo vốn về”, chị Trang chia sẻ. Các sản phẩm chị Trang rao bán trên mạng xã hội chỉ còn hạn dùng đến tháng 7/2014.

 

Trên một diễn đàn khác, thành viên tên Andy Hưng cũng rao bán khá nhiều mặt hàng tiêu dùng còn thời gian sử dụng ngắn như hạt nêm, dầu gội, sữa bột... trong đó có những sản phẩm có bao bì không còn được nguyên vẹn như bẹp hộp, rách vỏ hoặc mờ thông tin trên nhãn phụ. Khi thông tin rao bán được đăng có rất nhiều thành viên quan tâm đặt mua các sản phẩm với mong muốn tiết kiệm được chi phí. Bên cạnh những ý kiến chia sẻ về sản phẩm, cũng có người tỏ ra dè dặt khi hỏi về nguồn gốc cũng như thời gian sử dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, tất cả đều được người bán “bao biện” bằng tên thương hiệu của sản phẩm và vô vàn những lý do khách quan khiến cho người mua mủi lòng mà sẵn sàng “mua ủng hộ”.

 

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, không chỉ có shop bán online, ngay cả nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ cũng có những chiến dịch đẩy hàng tồn bằng cách thông qua các chương trình khuyến mại “1 tặng 1”, thậm chí “mua 1 tặng 2” để giải quyết hàng cận date.

 

Theo chị Vũ Thu Hải ( Hoàng Quốc Việt, HN), người thường xuyên mua hàng cận date chia sẻ: “ Mình vẫn hay mua các sản phẩm khuyến mại có hạn sử dụng ngắn về dùng, tuy nhiên mình chỉ mua những sản phẩm tiêu dùng như dầu gội, mỹ phẩm, nước giặt... chứ không bao giờ mua thực phẩm. Kinh nghiệm của mình đã cho thấy các sản phẩm thực phẩm khi sắp hết hạn kém an toàn hơn rất nhiều, đặc biệt là sữa, váng sữa vì những sản phẩm này đòi hỏi phải được bảo quản đúng nếu không thì chưa hết hạn nó đã hỏng rồi”.

 

Chị Hải cũng cho biết, nhiều shop hiện nay chỉ mong muốn đẩy hàng thật nhanh nên cũng có quá lời quảng cáo, tuy nhiên nếu phải người có kinh nghiệm thì sẽ nhận ra ngay các “chiêu”  của người bán hàng. “Còn không, ôm hàng sắp vứt đi lại cứ nghĩ mình mua được giá hời và cố sử dụng khi gặp vấn đề gì thì  mình phải chịu. Mua hàng cận date là chấp nhận  “5 ăn 5 thua” “, chị Hải nói.



Sữa Grow sắp hết hạn sử dụng được rao bán trên mạng xã hội

Sữa Grow sắp hết hạn sử dụng được rao bán trên mạng xã hội

 

Gặp nhiều rủi ro

 

Chia sẻ trên diễn đàn LCM trong một topic chủ đề cảnh báo sử dụng hàng cận date, thành viên Nguyentrang90 cho biết: “Vì tham rẻ nên đã mua 1 thùng sữa cận date Smart milk nhập khẩu từ Úc của một chị trên diễn đàn. Kết quả là mang về uống thấy vị nhạt, không thơm và có cảm giác ngai ngái khi uống, sau đó là phải “đóng đô” cả tiếng đồng hồ trong nhà vệ sinh...”.

 

Không chỉ riêng Nguyentrang 90 gặp sự cố về hàng cận date, thành viên tên Miullee cũng phản ánh rằng, mua dầu gội hàng cận date thì chất lượng dầu khác hẳn: loãng, mất mùi và không có khả năng tạo bọt…chưa kể sử dụng loại dầu gội sắp hết hạn còn bị ngứa da đầu…

 

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, cho biết việc mua và sử dụng hàng cận date là quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Hùng chỉ khuyến nghị : người dùng phải thông minh để nhận biết sản phẩm, thay vì dựa vào nhãn mác và hạn sử dụng của hàng hóa.

 

“Mỗi nhà sản xuất khi in ngày hết hạn thì phải ghi ít hơn rất nhiều so với ngày hư hỏng của sản phẩm. Ví dụ như một sản phẩm có thể để được đến 6 tháng, nhưng nhà sản xuất phải ghi xuống 5 tháng để đảm bảo an toàn cho khách hàng” - ông Hùng phân tích.

 

Đối với những sản phẩm cận date không trực tiếp sử dụng vào cơ thể như nước giặt, nước tẩy rửa... thì vẫn có thể tận dụng được. Tuy nhiên đối với thực phẩm thì tuyệt nhiên phải thận trọng. Vì thực phẩm rất dễ bị vi sinh vật và các độc tố  xâm nhập nên nhanh chóng biến đổi chất, có thể gây ngộ độc khi sử dụng.

Việc lựa chọn hàng hóa sắp hết hạn sử dụng bên cạnh việc tiết kiệm được chi phí vì các sản phẩm này được bán với giá rẻ nhưng người tiêu dùng cũng phải đối diện với những rủi ro nhất định khi danh giới giữa hàng hóa còn đảm bảo chất lượng với hàng hóa chất lượng đã đi xuống rất mong manh.

 

“Người tiêu dùng phải dùng cảm quan của mình để nhận biết sản phẩm có thể sử dụng được không, bằng cách ngửi mùi, quan sát màu sắc, mùi, vi, trạng thái của sản phẩm để quyết định đến việc dùng sản phẩm. Khi một trong bốn yếu tổ bị biến đổi thì không nên dùng sản phẩm nữa, vì lúc đó sản phẩm đã bị hỏng”, ông Hùng nói.

 

2 tiêu chí của việc gắn hạn sử dụng cho sản phẩm:

 

Thứ nhất là dựa vào cảm quan: màu sắc, mùi, vị, trạng thái để ước lượng thời gian hư hỏng của sản phẩm;

 

Thứ 2 là dựa ào tính an toàn của sản phẩm, việc này bắt buộc nhà sản xuất phải nghiên cứu về chất dinh dưỡng của sản phẩm, chất độc (chỉ tiêu ẩn), độc tố động (vi sinh vật), độc tố tĩnh (kim loại,...) có trong sản phẩm”.

 

TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa, Hà Nội)

 

Theo Uyên Chi

Chất lượng Việt Nam