Hiệu quả của vaccine Covid-19 với bệnh nhân ung thư
(Dân trí) - Việc tiêm vaccine được khuyến khích ở tất cả bệnh nhân ung thư đang điều trị tích cực bao gồm cả những bệnh nhân đang hóa trị liệu, điều trị đích, điều trị miễn dịch hay xạ trị.
Dược sĩ Điều Thị Ngọc Châu - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, các dữ liệu nghiên cứu ban đầu từ Trung Quốc, Châu Âu cho thấy bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 có sự gia tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng và tử vong, đặc biệt đối với bệnh nhân ung thư huyết học, ung thư phổi, hoặc bệnh nhân đang được điều trị hóa trị.
Tháng 2/2021, một số vaccine ngừa Covid-19 đã được phê duyệt bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị ung thư hoặc những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch thường bị loại khỏi các thử nghiệm lâm sàng. Mặc dù vậy, dựa trên dữ liệu ngoại suy từ các vaccine khác và cơ chế hoạt động, nhiều bằng chứng cho thấy cần tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 nói chung (bao gồm cả vaccine giảm độc lực và vaccine mARN) ngay cả ở những bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch.
Gần đây, những nghiên cứu hồi cứu hoặc các thử nghiệm trên chính đối tượng bệnh nhân ung thư tiêm phòng vaccine Covid-19 đã cho thấy những bằng chứng cụ thể và rõ ràng hơn. Thử nghiệm VOICE nhằm đánh giá khả năng tạo đáp ứng kháng thể vào ngày 28 sau lần tiêm chủng thứ hai của vaccine mARN (Mordena) trên đối tượng bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa trị liệu hoặc liệu pháp miễn dịch hoặc phối hợp so với những người tham gia nghiên cứu không bị ung thư đã cho thấy: 84% bệnh nhân ung thư được điều trị bằng hóa trị liệu có đủ mức kháng thể kháng virus SARR-CoV-2 trong máu, tỷ lệ này lần lượt là 89% ở bệnh nhân điều trị hóa trị - miễn dịch kết hợp và 93% ở bệnh nhân điều trị miễn dịch đơn thuần.
Một nghiên cứu khác về hiệu quả về liều bổ sung (liều thứ 3 của Pfizer-BioNTech) cho bệnh nhân ung thư tại Isarel đã cho thấy, tỉ lệ mắc và tỉ lệ nhiễm Covid-19 mức độ nặng thấp hơn đáng kể ở những bệnh nhân trên 60 tuổi đã được tiêm liều thứ bổ sung sau liều thứ 2 ít nhất 5 tháng. Dữ liệu hồi cứu tại Trung tâm ung thư London đối với những bệnh nhân dưới 65 tuổi đã tiêm phòng vaccine Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca hoặc Moderna từ 12/2020-2/2021 cho thấy trong vòng 7 ngày sau tiêm, đa số bệnh nhân chỉ gặp các phản ứng phụ như đau cánh tay (61,7%), mệt mỏi (18,2%) và đau đầu (12,1%). Nhìn chung sử dụng vắc xin Covid-19 trên bệnh nhân ung thư có gây các phản ứng nhẹ.
Theo khuyến nghị của Mạng lưới Ung thư toàn diện Quốc Gia Hoa Kỳ (NCCN), tất cả bệnh nhân đang mắc ung thư và những người đang điều trị nên được tiêm phòng bằng bất kỳ loại vaccine nào đã được FDA cho phép sử dụng. Việc tiêm vaccine được khuyến khích ở tất cả bệnh nhân ung thư đang điều trị tích cực bao gồm cả những bệnh nhân đang hóa trị liệu, điều trị đích, điều trị miễn dịch hay xạ trị. Tuy nhiên, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị về thời điểm tiêm phù hợp. Ở những bệnh nhân cấy ghép tế bào tạo máu hoặc sử dụng liệu pháp tế bào CAR-T nên được trì hoãn tiêm phòng ít nhất 3 tháng để tối ưu hóa hiệu quả của vaccine. Điều quan trọng là bệnh nhân ung thư cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch và những người chăm sóc bệnh nhân/người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng nên được tiêm phòng ngay khi có thể.