Hiểm họa tiềm tàng từ món ăn lấy may ngày Tết

Minh Nhật

(Dân trí) - Với màu đỏ tươi đặc trưng, tiết canh được không ít người Việt lựa chọn làm món ăn "giải đen", đem lại may mắn vào dịp đầu năm.

Tuy nhiên, may mắn chưa thấy đâu, mà loại vi khuẩn cực ky nguy hiểm lại có cơ hội thâm nhập vào cơ thể thông qua món ăn cầu may này.

Chia sẻ về thực trạng này, ThS.BS Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, thường cứ vào dịp Tết lại có một lượng lớn bệnh nhân phải nhập viện vì nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, do giết mổ lợn và đặc biệt là do ăn tiết canh.

Hiểm họa tiềm tàng từ món ăn lấy may ngày Tết - 1

ThS.BS Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)

BS Khiêm phân tích. "Người dân thường để dành lợn sạch để ăn tiết canh, nhất là vào dịp Tết. Tuy nhiên, cần biết rằng, vi khuẩn liên cầu lợn khu trú phần lớn trong hầu họng của lợn, ngay cả những con lợn khỏe mạnh cũng có vi khuẩn đó (khi lượng vi khuẩn nhiều sẽ gây bệnh). Dù có cẩn thận trong khâu chọc tiết lợn, vệ sinh nhưng cũng sẽ không thể làm sạch hoàn toàn lượng vi khuẩn ở lợn. Trong trường hợp người có sức đề kháng kém ăn phải tiết canh lợn chứa vi khuẩn, sẽ khó có thể lường trước được hậu quả".

Hiểm họa tiềm tàng từ món ăn lấy may ngày Tết - 2

Cụ thể, chuyên gia này cho biết, những người ăn tiết canh chỉ sau 20 tiếng bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn sẽ khởi phát các triệu chứng như: sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn, nổi ban trên người. Cũng có trường hợp biểu hiện bệnh rất nhanh. 2-3 ngày sau, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng đi lại khó khăn, không thể sinh hoạt bình thường.

Theo BS Khiêm, các bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn nhập viện, nếu tình trạng nặng, có thể dẫn đến suy đa phủ tạng, viêm màng não mủ. Trong trường hợp không được điều trị sớm hoặc phải hồi sức cấp cứu trong thời gian dài thì bác sĩ sẽ rất vất vả để điều trị bệnh nhân.

Hiểm họa tiềm tàng từ món ăn lấy may ngày Tết - 3

BS Khiêm thăm khám cho một bệnh nhân tình trạng nặng

Về phía bệnh nhân, gia đình họ phải đổ nhiều công sức, tiền của mới có cơ may cứu được người bệnh. Ước tính, chi phí điều trị một ca suy đa tạng vì liên cầu lợn có thể lên đến 20-30 triệu đồng/ngày để lọc máu, điều trị kháng sinh. Nếu nguòi bệnh có bảo hiểm y tế sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị. Nhưng rõ ràng, đây là một chi phí khá lớn đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, sống ở vùng sâu, vùng xa.

Thực tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi năm, các bác sĩ phải điều trị cho hàng chục bệnh nhân bị sốc, suy đa tạng, diễn biến nặng do vi khuẩn liên cầu lợn. Những trường hợp bị viêm màng não vì vi khuẩn liên cầu lợn cũng chiếm đến khoảng 50-60%.

Hiểm họa tiềm tàng từ món ăn lấy may ngày Tết - 4

Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn bị hoại tử vùng chân

"Nhiều bệnh nhân nặng có thể bị hoại tử toàn bộ bề mặt da ở đầu, tay, mặt,… Đây là những hình ảnh khiến các bác sĩ rất khó quên. Kể cả với người không làm trong ngành y, chỉ cần nhìn qua 1 lần cũng đã cảm thấy ám ảnh", BS Khiêm cho hay.

Cũng theo BS Khiêm, trong trường hợp bệnh nhân may mắn được điều trị khỏi bệnh, cũng có thể phải mang theo những di chứng nặng nề như: điếc, phải tháo cụt các đầu ngón tay vì hoại tử.

Từ thực tế này, BS Khiêm nhấn mạnh rằng, người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

"Cách tốt nhất để tránh mắc liên cầu lợn chính là phòng bệnh. Người dân cần ăn chín, uống sôi, đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt tránh các món từ lợn chưa được nấu chín như tiết canh", BS Khiêm khuyến cáo.